Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, bão đang ở bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật tăng hai cấp. Dự báo, hôm nay bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 km/h. Đến 7h ngày mai, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km, sức gió mạnh nhất cấp 10-11.
Những giờ tiếp theo bão đổi hướng bắc tây bắc với tốc độ 10 km/h. Đến 7h ngày 1/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km, sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 14.

Dự báo hướng đi của bão, sáng 30/10. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai
Đài khí tượng Nhật Bản nhận định hôm nay và ngày mãi bão đạt cực đại với sức gió gần 110 km/h; sẽ đi theo hướng bắc sau đó chếch sang phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đài Hong Kong nhận định hướng đi tương tự, tuy nhiên sức gió mạnh nhất của bão có thể đạt 120 km/h.
Vùng biển phía đông của bắc và giữa Biển Đông đang có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13, sóng biển cao 5-7 m, vùng gân tâm bão 7-19 m. Vùng biển phía tây của khu vực bắc và giữa Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió mạnh cấp 6-7.
Sáng nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có công điện gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng, sẵn sàng lực lượng ứng phó khi cần thiết.
Hiện biên phòng các tỉnh thành đã thông báo, hướng dẫn cho hơn 30.460 tàu với 161.560 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh, trong đó có 72 tàu với 620 người hoạt động ở vùng biển nguy hiểm bắc và giữa Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa.
Từ đầu năm tới nay, biển Đông xuất hiện 6 cơn bão, hai cơn áp thấp nhiệt đới. Dự báo xa từ nay đến tháng 1/2023, biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.