Năm 2014 đã khởi đầu khá tốt với Mai Thanh Trung khi anh này nhận được việc ở một công ty du lịch chuyên tổ chức tour cho khách Trung Quốc đến Việt Nam. Với công việc này, anh nhận được khoảng 600 USD một tháng (khoảng 12 triệu đồng).
Nhưng mọi việc bỗng nhiên thay đổi từ tháng 5, khi Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam. Cùng với những căng thẳng giữa 2 nước, Trung cho biết những chuyến bay cùng khách du lịch Trung Quốc đã không còn đến nhiều như trước. Anh cùng khoảng 50 đồng nghiệp tạm thời phải nghỉ việc. Hàng tuần liền trôi qua, Trung chỉ loanh quanh ở quê - cách Đà Nẵng 40km về phía Nam, dành thời gian trước màn hình TV để xem World Cup.
>>>Ảnh: Đà Nẵng vắng bóng khách du lịch Trung Quốc |
Hơn 2 tháng sau, ngày 15/7, khi giàn khoan di chuyển về phía Bắc, gần đảo Hải Nam (Trung Quốc), hy vọng trở lại với Trung. Anh hy vọng khách Trung Quốc sẽ trở lại và tháng tới có thể kiếm được tầm 200 USD (hơn 4 triệu đồng). Nhưng những vấn đề liên quan tới giàn khoan và căng thẳng giữa hai nước vẫn khiến công việc của anh không đảm bảo.
NYTimes dẫn lời các chuyên gia trong ngành du lịch cho hay nhiều tư vấn viên Trung Quốc đã thuyết phục hàng nghìn người dân nước này hủy các chuyến du lịch vì một số chính sách bảo đảm an toàn.
Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư trong tổng số 4,3 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong nửa tháng đầu năm 2014. Nhưng trong tháng 6, lượng khách đến từ quốc gia phía Bắc giảm khoảng 30%. Riêng lượng khác đến từ Hong Kong giảm tới 72% so với tháng 5.
Matthias Wiesmann, quản lý khu nghỉ dưỡng Furama Resort (Đà Nẵng) cho biết việc kinh doanh giảm 10-15% trong tháng 5 và 6. "Khách du lịch đang lo ngại", ông nói.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết tỷ lệ thuê phòng tại các khách sạn có hướng nhìn ra biển tại đây trong tháng 6 chỉ còn 60-70%, còn trước đây thường xuyên là 80-90%. Trong khi đó, theo Ken Atkinson, Chủ tịch Hội Du lịch thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng tỷ lệ này không thể cao hơn 40%.
Ông Bình khẳng định Đà Nẵng vẫn an toàn như trước và dự đoán khách Trung Quốc sẽ trở lại, tuy không chắc là bao giờ.
Zhang Lei, thương nhân Trung Quốc có mặt tại một trong những khách sạn lớn thường được người nước này chọn khi đến Đà Nẵng cho biết ngoài những bạn đi cùng, ông không gặp ai nói tiếng Trung tại đây. "Rất nhiều người không đến Việt Nam vì căng thẳng ở Biển Đông", Zhang chia sẻ với NYTimes. Một nhân viên tại khách sạn này tiết lộ thông thường khách Trung Quốc chiếm tới 70-80% tại đây.
Người Trung Quốc chi 102 tỷ USD cho 83 triệu chuyến du lịch quốc tế năm 2012, giúp đất nước rộng nhất thế giới vượt qua Đức, trở thành nguồn khách du lịch lớn nhất thế giới (số liệu của Tổ chức liên hiệp du lịch thế giới). Tuy nhiên, họ thường rất nhạy cảm với tình hình.
Tại Nhật Bản, các chuyến du lịch của khách Trung Quốc giảm vào cuối năm 2012 và giảm mạnh hơn trong năm 2013, phản ánh những căng thẳng leo thang giữa hai nước quanh tranh chấp đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản) hay Điếu Ngư (Trung Quốc gọi). Ở Malaysia, khách đến từ Trung Quốc trong tháng 4/2014 cũng giảm 19,5% so với cùng kỳ.
Brian King, giáo sư ngành du lịch của Đại học Bách khoa Hong Kong cho biết một số hãng hàng không Trung Quốc đã dừng các chuyến tới Malaysia sau khi chiếc Boeing mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) mất tích không rõ nguyên nhân ngày 8/3 mà trên đó có hai phần ba là người Trung Quốc. Đến nay người ta vẫn chưa tìm ra tung tích và những gì đã xảy ra với chiếc máy bay này.
"Chỉ đến khi thông tin về MH370 sáng tỏ hơn, mọi chuyện may ra có tiến triển", ông nhận xét. Ông cũng cho rằng vụ một chiếc máy bay khác của MAS bị nghi bắn hạ tại miền đông Ukraine cũng có ảnh hưởng tới ngành du lịch của châu Á và thảm kịch này chắc chắn sẽ tăng lo ngại trong lòng khách Trung Quốc khi đến với Malaysia.
Khánh Linh