Nhờ khoản đóng góp 25.000 euro của Hyde Isobel và 5.000 euro của chị Lan mà từ năm học 2024-2025, 60 đứa trẻ tại đây sẽ được học trong những căn phòng mới khang trang, tiện nghi, trên chính nền ngôi trường ván gỗ xiêu vẹo cũ.
Sống tại Rougemont, Thụy Sĩ, Isobel, một cựu người mẫu chuyên nghiệp đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa biết tới Việt Nam. 7 năm trước, gia đình thuê một người gốc Việt tên Lý Ngọc Lan làm bảo mẫu cho con trai mới sinh của họ.
Sống cùng với nhau, Isobel thấy tò mò khi thấy chị Lan thường xuyên mở một chương trình từ thiện ở Việt Nam ra nghe và rất hay gửi tiền về ủng hộ. Cô xúc động khi người bảo mẫu nói về những trận lũ lụt khốc liệt ở miền Trung khiến hàng nghìn gia đình mất nhà, mất cửa, nên đã đồng hành từ đó.
"Bố mẹ tôi cũng được chị Lan truyền cảm hứng, nên thi thoảng tới thăm sẽ gửi lương hưu của mình để trao tặng người kém may mắn", Isobel chia sẻ.
Chị Ngọc Lan, 59 tuổi, cho biết đã theo phương châm "sống cho đâu chỉ nhận riêng mình" từ ảnh hưởng của mẹ mình. Bà là người gốc Hoa, bố chị là người Hàn Quốc, trước đây sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Năm 1975, gia đình sang Iran sau đó định cư ở thành phố Clermont-Ferrand, Pháp từ năm 1979.
"Nhà tôi không quá dư giả nhưng mẹ là người sống tình cảm, từ hồi ở Việt Nam hay khi qua Pháp đã luôn giúp đỡ người xung quanh", chị Lan kể.
Từ cách đây hơn chục năm, chị đã hay theo mẹ đến một quán ăn Việt ở Clermont-Ferrand, nơi định kỳ tháng một lần tổ chức những bữa ăn cộng đồng để quyên góp tiền gửi về Việt Nam. Thông qua hoạt động này, bà Sương biết tới chương trình từ thiện Sát cánh cùng gia đình Việt của Đài tiếng nói nhân dân TP HCM. Tuổi già ít ăn ít tiêu, bà dành dụm gửi về nước tặng người kém may mắn.
Năm 2017, mẹ chị ốm nặng. Trước lúc ra đi, bà tha thiết dặn con gái: "Khi nào mẹ đi, con mang tiền phúng viếng mẹ về Việt Nam giao cho chương trình".
Bà cũng bảo con nhắn bạn bè, người quen đi viếng mình đừng mua hoa mà để tiền đó giúp đỡ người nghèo. "Mẹ ra đi rất thanh thản, các con đừng buồn, đừng khóc. Hứa với mẹ sẽ mang tiền phúng viếng về Việt Nam", bà lặp lại lời dặn trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Hơn một năm sau sự ra đi của mẹ, chị Lý Ngọc Lan trở về. Chị dùng nửa tiền của mẹ giúp đỡ bà con ở quê, nơi đây gia đình vẫn còn người cậu và dì nên các năm qua vẫn thường xuyên về thăm hỏi. Nửa tiền còn lại, chị mang tới đài.
Ekip chương trình đã dẫn chị Lan đi thực địa tại một vùng quê miền Tây xa xôi, nơi những đứa trẻ hàng ngày đối mặt với hiểm nguy trên đường đi học và bà con khó khăn vận chuyển nông sản vì cây cầu xuống cấp. Chị cũng băng qua con đường đất bùn lầy tới thăm một gia đình đông con rất nghèo, trong đó đứa bé nhất bị bệnh ở mắt, nếu không được mổ sớm sẽ bị mù.
"Có đêm khuya ở gần chợ Bến Thành, tôi thấy một bà già ẵm trên tay đứa nhỏ và dắt theo một bé 3-4 tuổi. Tôi sốc lắm, chẳng biết làm gì khác ngoài biếu ít tiền, hy vọng ba bà cháu được về nhà nghỉ sớm", chị Lan kể.
Tận mắt chứng kiến, người con xa xứ nhận ra nơi chôn rau cắt rốn của mình còn nhiều vùng đất rất nghèo và nhiều cảnh đời rất khổ. Từ lúc đó chị theo sát chương trình, cứ thấy họ đăng gì mà giúp được là sẽ giúp.
Từ những đứa trẻ bị bệnh, người già neo đơn đến những gia đình miền Trung bị lũ lụt hay trẻ mồ côi vì Covid-19, chị Ngọc Lan luôn dang đôi tay mình. Sau này những khoản tiền chị gửi về còn có thêm sự đồng hành của bạn trai chị và gia đình Isobel.
Một lần Isobel hỏi "ai đang cần giúp đỡ nhất?", chị Lan lập tức trả lời "những đứa trẻ". Chị đã kể cho bà chủ của mình nghe về những ngôi trường ở vùng sâu Việt Nam, ngay đến cả cái bàn, cái ghế để ngồi cũng tạm bợ. Những đứa trẻ phải băng rừng lội suối, xa gia đình đến trường, ăn ở thiếu thốn, vẫn ham tìm con chữ. Hai người thống nhất ý tưởng sẽ xây một ngôi trường để mang cơ hội học hành tốt hơn cho lũ trẻ. Đúng thời điểm này năm 2023, họ bay về Việt Nam.
Chị Hồng Thúy, BTV chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt cho biết đã lên kế hoạch cho chuyến đi để Isobel và chị Lan tận mắt thấy họ đang làm được những điều thật ý nghĩa và đáng trân trọng.
Nơi miền biên giới Kỳ Sơn những ngày hè khô rát, nắng nóng lên tới 40 độ, mẹ con cựu người mẫu ngủ trong nhà nghỉ thiếu tiện nghi. Họ ngồi ôtô hơn 5 tiếng qua những con đường quanh co, khúc khuỷu và sạt lở. Sau đó họ lại ngồi sau xe máy di chuyển cả giờ đồng hồ qua con đường dốc cao dựng đứng và gập ghềnh.
Điểm đến là Trường tiểu học Lữ Thành nằm chót vót trên một ngọn núi đá, cách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi đó, phòng học là ván gỗ mục nát, thông thốc nắng, gió, mưa và cả cái lạnh căm căm. Nhưng gần 60 em học sinh cùng các thầy cô giáo vẫn kiên trì bám lớp, bám trường để tìm con chữ.
Trái tim những con người phương xa đã thổn thức sau những cái nắm tay, cái ôm thật chặt của những đứa trẻ và người dân địa phương. "Chuyến đi để lại trong chúng tôi ấn tượng rằng vùng đất đó thật đẹp, con người thật đáng yêu, đặc biệt những đứa trẻ rất hiếu học", chị Lan nói.
Tròn một năm, ngôi trường sẽ khánh thành đúng dịp khai giảng năm học mới 2024-2025. Mẹ con Isobel và chị Lan hẹn một ngày gần nhất sẽ quay trở lại.
Xa quê gần 50 năm, nhưng nhờ các hoạt động từ thiện này, chị Ngọc Lan thấy sợi dây gắn kết với quê hương càng thêm bền chặt. Bản thân chị không dư giả. Nhiều người thân, bạn bè cũng khuyên nên nghĩ cho bản thân trước, dành dụm cho tuổi già. Song trong chị luôn khắc ghi lời của mẹ: "Nếu con có một xu trong tay, mà đủ sống với một nửa thì cứ cho đi một nửa còn lại".
"Ông trời cho tôi công việc tốt, một cơ thể khỏe mạnh và nơi sống tiện nghi. Nếu còn đi làm được tôi sẽ còn cho đi trong khả năng của mình", người phụ nữ gốc Việt nói.
Phan Dương