Cá voi xám là một trong những động vật có vú di cư dài nhất trong tự nhiên, vượt hành trình dài 16.000 - 20.000 km mỗi năm giữa môi trường sinh sản ở vùng biển ấm Mexico và môi trường kiếm ăn gần Bắc Cực. Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa hiểu rõ bằng cách nào mà chúng làm được điều đó bởi các tín hiệu thị giác dưới đại dương không giống so với trên đất liền.
Nhiều nhà khoa học tin rằng cá voi sở hữu giác quan đặc biệt cho phép cảm nhận từ trường của Trái Đất để định hướng di cư. Một số nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra sự liên quan giữa hiện tượng cá voi mắc cạn và các vết đen hay khu vực tối trên bề mặt Mặt Trời - hiện tượng gây ra bởi những biến đổi từ trường rất mạnh của ngôi sao.
Trong một nghiên cứu mới được công bố hôm 24/2 trên tạp chí Current Biology, các chuyên gia từ Đại học Duke đã lật lại dữ liệu về các vụ cá voi mắc cạn trong 31 năm qua để xem liệu sự dịch chuyển cục bộ của từ trường gây ra bởi bão Mặt Trời có ảnh hưởng đến khả năng định hướng di cư của cá voi hay không.
Dữ liệu cho thấy cá voi xám mắc cạn nhiều hơn vào những ngày có hoạt động Mặt Trời mạnh, với tỷ lệ cao gấp đôi so với ngày bình thường. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do sự dịch chuyển cục bộ của từ trường mà do nhiễu loạn tần số vô tuyến, nhóm nghiên cứu giải thích.
Theo Jesse Granger, tác giả chính của nghiên cứu, nhiễu loạn tần số vô tuyến gây ra bởi các hạt năng lượng cao từ bão Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận từ trường của cá voi xám trong việc định hướng di cư. Trong giai đoạn tiếp theo, Granger cùng các đồng nghiệp muốn nghiên cứu thêm về các loài cá voi khác xem đây có phải một mô hình chung hay không.
Đoàn Dương (Theo CNN)