Theo NASA, cơn bão sinh ra từ một luồng plasma nhỏ nhưng phức tạp xoay tròn trong 40 tiếng trên bề mặt Mặt Trời. Lực từ trường cực mạnh kéo căng cơn bão, làm nó chao đảo liên tục nhưng không bị dập tắt. Nhiệt độ của những phân tử sắt ion hóa quan sát qua bước sóng cực tím này vào khoảng 2,8 triệu độ C.
Những hình ảnh của cơn bão được tàu vũ trụ Solar Dynamics Observatory của NASA ghi lại. Giáo sư Iver Cairns, một nhà vật lý mặt trời ở Đại học Sydney, Australia, cho biết cơn bão diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/9 và đạt độ cao 70.000 km, gấp khoảng 5 lần đường kính Trái Đất.
Khác với những cơn bão trên Trái Đất, bão mặt trời ra đời khi một luồng plasma vọt lên, tạo thành các cấu trúc từ trường có hai đầu đều tiếp xúc với bề mặt Mặt Trời. Luồng plasma di chuyển theo từ trường của cấu trúc này, dẫn đến chuyển động xoay tròn của bão.
Phương Hoa (theo IB Times)