Ông Hoàng Minh Luyện, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, cho biết, lực lượng này đang liên lạc với Bộ đội biên phòng và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cử tàu lớn (4.500 tấn) phối hợp tìm kiếm sà lan và 3 thủy thủ nói trên. Tuy nhiên, các thủy thủ không thể xác định được phương hướng cũng như vị trí do trời tối, sóng biển quá to, gió ngày càng mạnh.
Ông Luyện cho biết, Bộ đội biên phòng Thanh Hóa vẫn giữ liên lạc với 3 thủy thủ này, đồng thời hướng dẫn họ giữ vững bánh lái, không để gió bão làm lật sà lan, chờ đợi thời tiết nguy hiểm qua đi và các lực lượng đến cứu.
Ngoài ra, một tàu vận tải của Công ty Hoàng Sơn đang trên đường đi Hải Phòng, gặp gió bão đã tìm cách neo đậu tại cửa biển Hoằng Thanh (Hoằng Hóa). Đây là tàu lớn trọng tải 2.000 tấn nên không thể vào sát bờ mà phải neo cách bờ 2 hải lý, trên tàu có 8 thuyền viên. Bộ đội biên phòng Thanh Hóa đang hướng dẫn lái tàu này chèo chống bão, không để trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Đến 21h30 ngày 7/8, bão Mangkhut đã đổ bộ vào 2 huyện ven biển Hậu Lộc và Nga Sơn của tỉnh Thanh Hóa gây mưa to, gió mạnh 8-9. Lượng mưa đo được đến 19h cùng ngày là 40-70 mm. Sóng biển cao 3-4 m.
Đến 23h, tại bờ biển các huyện ven biển Thanh Hóa như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, nơi tâm bão Mangkhut đi qua, gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11, sóng biển liên tục táp vào bờ. Nhiều cây cối, lều quán ven đê và biển quảng cáo đã bị gãy đổ. Hàng nghìn hộ dân vẫn sống trong cảnh mất điện.
Các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất; đô thị tại các tỉnh đồng bằng như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội… đề phòng ngập úng ở vùng trũng.
Do ảnh hưởng của bão, từ gần trưa 7/8 Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to. Tại TP Hà Tĩnh và TP Vinh, nhiều tuyến đường bị nước ngập 40-50 cm do nước tiêu không kịp. Các huyện trung du đồng bằng lượng mưa cũng đang tăng cao. Một số huyện miền núi phía tây có nguy cơ xảy ra lũ quét.
Chiều 7/8, tàu cá của ông Trương Văn Thức (trú tại Hoàng Mai, Nghệ An) cùng 11 thuyền viên đang trên đường di chuyển vào bờ tránh bão thì bị hỏng máy trên vùng biển cách Cửa Lò khoảng 20 hải lý. Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã điều động một tàu của Hải đội 2 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp cận. Tuy nhiên, do thời tiết xấu và sóng to nên tàu không đủ sức cứu nạn. Ngay sau đó Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã báo cáo Bộ Tư lệnh Hải quân cho phép tàu của Hải đội 2 quay trở về. Bộ Tư lệnh Hải quân đã điều một tàu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tham gia cứu nạn. Đến khoảng 18h, tàu cứu nạn BP34-1901 của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã tiếp cận thành công và lai dắt con tàu gặp nạn vào bờ. |