"Thầy là người trưởng thành, đã có suy nghĩ chín chắn, có kiến thức, sự rèn luyện về khả năng sư phạm, có tính kiên nhẫn, lại ở vị trí dẫn dắt, chỉ bảo học trò, vì thế dù không hẳn học sinh vô tội thì với việc đánh trò, thầy vẫn là người có lỗi", thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) bày tỏ.
Ông cho rằng, cách giáo dục bằng tát tai rõ ràng không hiệu quả, nhất là với trẻ vị thành niên. Ở tuổi này, trẻ muốn khẳng định bản thân, sức mạnh cơ bắp bắt đầu nổi trội, tính tự ái, tự tôn cao, các em không muốn bị ai bắt nạt. Trẻ lứa tuổi này cũng hay tuyệt đối hóa mọi thứ, đúng là đúng, sai là sai - theo kiểu "quân tử" và không chấp nhận bị đè nén, đàn áp. Nếu bản thân thấy là đúng, các em tự khắc làm, nhưng khi thấy sai thì chống đối đến cùng. Như vậy rõ ràng việc đánh học sinh, nhất là các em cấp 3 là sai cả về lý lẫn tình.
Trước việc nhiều người cho rằng thời xưa, chuyện thầy "yêu cho roi cho vọt" là bình thường và nhiều người còn biết ơn vì nhờ những cái roi, cái tát của thầy mà tu tâm dưỡng tính, tập trung học hành nên người, nhà tâm lý giáo dục cho rằng, hiện thực xã hội đã thay đổi, nhận thức về quyền và nghĩa vụ của học sinh cũng khác nên điều này không thể chấp nhận. "Cả thầy và trò ngày nay không còn giống thầy và trò ngày xưa", ông nói.
![]() |
Ảnh cắt từ clip quay cảnh một thầy giáo trường THPT Nguyễn Huệ (Bình Định) đánh liên tiếp vào mặt học sinh. |
Ông Chuẩn cho rằng, xưa thầy thường rất tâm huyết với trò, và dù bị thầy đánh, học sinh vẫn cảm nhận được tình cảm yêu thương thầy dành cho mình, biết bị phạt là đáng và hình thức phạt mang tính chất răn đe.
"Chuyện xưa kể, có một ông quan, khi xử một vụ kiện đã phạt cắt cụt chân kẻ có tội. Ít lâu sau, bị giặc đánh vào phủ, quan phải đi trốn và vào đúng nhà kẻ phạm tội. Ông quan đinh ninh sẽ bị người này trả thù nhưng ngược lại, anh ta đối đãi nuôi ông ăn ở tử tế. Ông quan thắc mắc thì anh này nói không hề vì bị mất chân mà thù ghét, ngược lại rất biết ơn ông, bởi anh ta biết mình đã gây tội lớn và trong quá trình xét xử vị quan đã cố tìm cách giúp giảm tội cho anh. 'Khi đưa ra hình phạt, tôi thấy ngài rất trăn trở, gương mặt lộ vẻ đau buồn. Tôi biết ngài không muốn làm thế nhưng không thể làm khác vì tội tôi chẳng thể xử nhẹ hơn', người đàn ông kia nói", nhà tâm lý viện diễn một câu chuyện để minh chứng cho lời khẳng định của mình: Kể cả khi cùng là một hình phạt nhưng thái độ khác nhau có thể mang lại hiệu qủa khác nhau.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Chuẩn, hiện nay trẻ tiếp nhận văn hóa phương Tây nên nhận biết được quyền của mình, không dễ chấp nhận bị người khác đánh, mắng, ngay cả khi đó là bố mẹ hay thầy cô. Không những thế, việc trẻ cảm nhận được thầy cô có điểm xấu như hay trù úm học trò, chỉ lo kiếm tiền... cũng khiến các em mất đi sự kính trọng và dễ có phản ứng tiêu cực.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM cho rằng việc dùng hình thức đánh học sinh cấp 3 là sai lầm. Các em cấp 3 đang tuổi muốn khẳng định mình, muốn tạo vị thế để người khác nể nang. Việc bị thầy đánh trước mặt bạn bè khiến các em thấy bị xúc phạm và có thể hành động tự vệ là đánh lại như trường hợp vừa xảy ra. Vì thế, khi học sinh mắc lỗi, thầy cô nên chọn hình thức khiển trách nào để thu phục, khiến các em nể phục. "Dùng bạo lực chỉ là cách xả cơn nóng giận tức thời, làm học trò bị tổn thương và càng tìm cách chống đối", bà Linh nói.
Nhà tâm lý cho rằng, hình ảnh người thầy cô có vai trò rất lớn trong việc định hình, phát triển nhân cách cũng như khích lệ tinh thần học tập của trẻ. Đó có thể là hình mẫu để trò noi gương hay ngược lại, là hình tượng xấu khiến các em mất niềm tin. Thực tế cho thấy, khi trò thần tượng, yêu mến mến thầy cô thì các em thường cố gắng phấn đấu hơn trong học tập. Và người thầy phải chỉn chu từ lời nói tới hành vi, cách ứng xử mới khiến học trò kính nể.
Hiện nay, nhiều giáo viên không đầu tư cho việc rèn luyện đạo đức, nhân cách, quá chăm chú mong kiếm nhiều tiền, có những hành xử kém văn hóa như "đì" học trò khi các em không đi học thêm hay có thành tích học tập kém, hay làm mất trật tự, thành tích của lớp... Trong khi nếu một người thầy có tâm sẽ đặt câu hỏi "tại sao" khi thấy trò có biểu hiện vô lễ, hành học sa sút, hay gây sự... Thầy sẽ không chỉ dùng hình phạt mà cố gắng tìm hiểu động cơ, tâm lý sâu xa. "Có đến với trò bằng trái tim mới có thể thay đổi được hành vi không tốt của các em", bà nói.
Bà Mỹ Linh cho rằng, khi còn ngồi ở giảng đường, sinh viên sư phạm nào cũng được học về tâm lý từng lứa tuổi học sinh, các phương pháp sư phạm, những cách ứng xử với trò... Tuy nhiên, việc học và hành không phải lúc nào cũng đi liền, cách ứng xử của mỗi người thầy còn phụ thuộc vào tính cách, tình yêu nghề, yêu học sinh của họ.
Theo tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng bộ môn Tâm lý, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, vụ thầy đánh trò và bị "phản công" chỉ là một tai nạn của ngành giáo dục, hiếm xảy ra nên không thể lan rộng. "Người thầy trong đoạn clip đã đánh học sinh liên tiếp, mạnh bạo, sau đó mới dẫn đến chuyện học sinh phản kháng lại. Người thầy đã không có khả năng điều chỉnh và kiềm chế cảm xúc. Điều này rất nguy hiểm với những người mang danh ngành giáo dục", tiến sĩ Điệp bình luận.
Ông cho rằng, mỗi học sinh một cá tính, một hoàn cảnh, nhất là đang trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý rất bất ổn, có thể gây ức chế cho thầy cô. Chuyện học sinh hư, thầy cô uốn nắn là nằm trong trách nhiệm, nghĩa vụ của người thầy nhưng luôn có một giới hạn là không được dùng bạo lực, kể cả lời nói xúc phạm tới học sinh. Ngoài pháp luật, còn có các quy định của nhà trường và đạo đức của người dạy chữ. Người thầy trong clip đã bất lực trong chuyên môn, điều khiển lớp. Đây là lỗi của ngành giáo dục nên trước tiên ngành giáo dục cần kiểm điểm, xin lỗi phụ huynh, học sinh. Sau đó học sinh cũng phải xin lỗi thầy vì đã vi phạm đạo nghĩa “tôn sư trọng đạo”.
Là giáo viên được nhiều học trò quý mến, anh Hoàng Quân, thầy giáo dạy toán ở một trường trung học phổ thông tại Hà Nội cho biết, chuyện bực tức, ức chế khi học sinh lười học, vô lễ... có lẽ thầy cô nào cũng từng gặp, nhưng mỗi người sẽ có cách ứng xử riêng. Thường chuyện hành xử thiếu kiềm chế xảy ra ở những người mới ra trường, đứng lớp còn thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, đồng thời có bản tính nóng nảy.
"Thực tế, trong tình huống này người thầy cần kiên nhẫn, tìm cách xử lý khéo léo. Cho các em cơ hội sửa lỗi cũng là cách cho mình một đường 'thoát' và có thời gian tìm hiểu kỹ trò, tìm cách đúng hơn để tiếp cận với em", thầy Quân nói.
Anh cho biết, khi học sinh có thái độ không tốt hoặc làm gì sai, điều đầu tiên anh thường làm là đặt câu hỏi "tại sao", sau đó phân tích để các em nhận ra cái sai hoặc có thể đợi sau đó, hẹn riêng trò để hỏi chuyện. Tuyệt đối hạn chế việc mắng mỏ các em trước đông đảo bạn bè trong lớp.
"Rõ ràng bạo lực trong nhà trường không bao giờ được chấp nhận, dù là giữa trò với trò, đừng nói giữa thầy và trò. Môi trường giáo dục cần có cư xử văn hóa, và người thầy cần linh hoạt trong các tình huống dạy học", thầy giáo 32 tuổi chia sẻ.
Vương Linh - Phan Dương