Đao kiếm và súng ống đã thuộc về quá khứ. Hiện tại, súng bắn đinh và máy chém là lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim trong việc tái hiện bạo lực. Các nhân vật trên màn ảnh xứ Hàn ngày càng hung bạo và các cảnh máu me ngày càng chân thực khiến người ta rùng mình.
Theo Joong Ang Daily, nhiều nhà phê bình điện ảnh nước này lo ngại những bộ phim ngồn ngộn cảnh bạo lực sẽ gia tăng số lượng tội phạm do bắt chước phim ảnh.
Cảnh trong "Uncle". |
Theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, đầu tuần này, bảng xếp hạng phim ăn khách ở Hàn Quốc chứng kiến sự thống trị ở tuần thứ 4 liên tiếp của Uncle (The Man From Nowhere) do Won Bin đóng vai chính. Bộ phim tội phạm I Saw the Devil với sự xuất hiện của Lee Byung Hun về thứ 3. Phim này cũng đoạt doanh thu khá cao sau khi cắt nhiều cảnh bạo lực để được công chiếu vào hôm 12/8.
Cả hai phim đều chứa đựng các cảnh bạo lực rất rùng rợn và chân thực. Trong Uncle, những kẻ buôn người cắt các bộ phận trên cơ thể nạn nhân khi họ vẫn còn sống. Nhân vật chính do Won Bin thủ vai cũng sử dụng súng bắn đinh trong vài cảnh. (Xem trailer)
Tuy nhiên, Uncle vẫn còn dễ chịu hơn so với I Saw the Devil, bộ phim đẫm máu từng phải chỉnh sửa đến 3 lần mới được ra rạp, được mô tả là có nhiều cảnh “xúc phạm nhân phẩm”.
Cảnh trong "I Saw The Devil". |
Bản công chiếu của I Saw the Devil đã cắt một cảnh bạo lực 90 giây nhưng vẫn còn gây tranh cãi. Hai nhân vật chính là một kẻ tâm thần giết người hàng loạt (Choi Min Sik) và một điệp viên tình báo quốc gia (Lee Byung Hun). Người điệp viên đã tra tấn tên tâm thần một cách dã man để trả thù cho người bạn gái bị hắn giết hại. Bộ phim thể hiện nhiều khía cạnh của tội ác. (Xem trailer)
Trong khi tra tấn, nhân vật của Lee Byung Hun dùng tua vít đâm vào cằm và chặt đứt gân gót Achilles của kẻ sát nhân. Bộ phim rất khó xem, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ trên blog riêng của họ, quả thực họ không thể xem hết những cảnh đó.
“Tôi thích phim kinh dị, ví dụ như Saw (2004), nhưng I Saw the Devil rất khác các phim kinh dị mà tôi đã xem”, Kim Eun Jin, 26 tuổi, giảng viên một học viện tư ở Seoul, cho biết. “Sau khi xem phim này, trong suốt một tuần, tôi không dám ra ngoài một mình vào buổi tối”.
Trong buổi họp báo ra mắt I Saw the Devil giữa tháng 8, đạo diễn Kim Ji Woon và hai diễn viên chính Lee Byung Hun, Choi Min Sik cũng được hỏi về tính hung bạo của bộ phim. “Phim ảnh phản ánh xã hội”, đạo diễn nói. “Tôi không nghĩ tội ác trong phim sẽ khiến nhiều người bắt chước. Trái lại, tôi nghĩ phim còn chưa bắt kịp được xu hướng tội ác trong đời thực thời gian gần đây”.
Còn Choi Min Sik, người thủ vai kẻ sát nhân tàn bạo, nói: “Rất tích cực khi chúng ta có thể bàn luận cởi mở về những tội ác đang ngày ngày hiện hữu trong xã hội”.
Tuy vậy, nhiều nhà chuyên môn không đồng ý với họ. Những người này cho rằng các bộ phim bạo lực kích thích người ta phạm tội, mặc dù có những kết quả nghiên cứu khác nhau về vấn đề này.
Cảnh trong "Public Enemy". |
Hồi tháng 4, ở Busan xảy ra vụ cưỡng hiếp và giết hại một nữ sinh trung học. Kẻ sát nhân Kim Kil Tae đã phủ vôi lên xác nạn nhân hòng phi tang chứng cứ. Điều đáng nói là, hành động đó y hệt những tình tiết trong bộ phim Public Enemy (2002) của đạo diễn Kang Woo Suk. (Xem trailer)
“Không phải ai cũng bị ám ảnh bởi những cảnh bạo lực mà họ xem trên phim, nhưng phim bạo lực quả thực ảnh hưởng xấu đến trẻ em, thiếu niên và những người không biết phân biệt phải trái”, giáo sư Lee Su Jung chuyên nghiên cứu tâm lý tội phạm ở đại học Kyonggi cho biết. “Vì trẻ em được giáo dục để làm theo những gì người lớn chỉ dạy, những bộ phim kiểu như vậy sẽ tạo ra những hình mẫu không tốt cho các em”.
Sim Young Sup, một nhà phê bình phim, chủ tịch Healing Cinema Center ở Seoul nhận xét: “I Saw the Devil làm người ta bị tổn thương. Tôi chỉ có thể nói một điều, phim Hàn Quốc đang ngày càng bạo lực và vượt quá giới hạn”.
Pham Mi Ly