Hồi tháng 5, Lubov Nedoriz, nhân viên xã hội tình nguyện, nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Pervomaiskyi ở Kharkov nhờ tư vấn xử lý trường hợp một cựu binh 30 tuổi vừa trở về từ chiến trường, có hành vi bạo lực đối với mẹ ruột.
"Cựu binh này từng là một đứa con ngoan, tốt nghiệp đại học, rất tốt bụng và yêu thương bạn gái", bà Nedoriz thuật lại lời cảnh sát. "Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi anh ấy được điều động ra tiền tuyến ở Kharkov. Anh ấy bắt đầu cáu giận, nghe nhạc rock và gây gổ với bạn gái".
Khi mẹ ruột cố gắng can ngăn, cựu binh đã đánh đập mẹ mình rất nặng nề.
Khi chiến sự Ukraine kéo dài, số vụ bạo lực gia đình ở nước này gia tăng đáng kể. Năm 2023, Bộ Nội vụ Ukraine ghi nhận hơn 291.000 trường hợp bạo lực gia đình trên toàn quốc, tăng 20% so với năm 2022, thời điểm Nga phát động chiến sự.
Các chuyên gia, nhân viên xã hội lo ngại con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Chỉ trong hai tháng đầu năm, số vụ khiếu nại về bạo lực gia đình mang tính chất hình sự ở Ukraine đã tăng 56%.
Massimo Diana, quan chức Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cơ quan giám sát bạo lực giới, nhận định các trường hợp được báo cáo chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
"Những con số này không lột tả toàn bộ câu chuyện. Cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh để hiểu cốt lõi vấn đề", ông Diana nói.
Theo quan chức UNFPA, bạo lực giới và bạo lực gia đình vốn là "vấn nạn ngầm khét tiếng" ở Ukraine từ trước chiến sự, và bắt đầu trở nên trầm trọng do nhiều yếu tố căng thẳng xã hội trong thời chiến, như nghèo đói, di tản, chia ly, nỗi sợ bom đạn.
"Thật đáng buồn khi nữ giới sẽ luôn phải trả giá đắt trong thời chiến", Diana nói thêm.
Theo Guardian, phụ nữ Ukraine đang phải quản lý việc nhà một mình, không nhận được nhiều trợ giúp từ gia đình và cộng đồng, khi ngày càng nhiều nam giới nhập ngũ.
"Phụ nữ Ukraine cũng ngần ngại lên tiếng về tình trạng bạo lực gia đình liên quan đến cựu binh", Ivanna Kovalchuk, thành viên tổ chức Quân đoàn Y tế Quốc tế (IMC), cho biết. "Một số nạn nhân thậm chí còn xin lỗi, bởi cảm thấy không phải thời điểm thích hợp để lên tiếng, hoặc thấy chuyện cá nhân của họ không là gì khi quốc gia đang có chiến sự".
Ông Diana đồng tình. "Họ tự hỏi: 'Làm sao có thể phàn nàn khi đàn ông đang liều mình ở tiền tuyến?'. Chúng tôi nghe điều này rất nhiều", quan chức UNFPA nói, thêm rằng thủ phạm trong các vụ bạo lực cũng là nạn nhân của xung đột, đề cập đến nhiều trường hợp cựu binh bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).
"Kể cả khi họ ổn về mặt thể chất, tâm trí họ vẫn bị tổn thương sau khi trở về từ chiến trường", chuyên gia tội phạm học Nedoriz nhận xét.
Diana cho biết ông từng chứng kiến tình trạng tương tự ở các quốc gia có xung đột khác. "30 năm trước là tình hình ở Croatia, ở Serbia, ở Bosnia. Chúng ta cần liên hệ với các hộ gia đình có binh sĩ sắp trở về, giúp họ chuẩn bị cách đối phó với hậu quả của xung đột", ông nói.
Đức Trung (Theo Guardian)