Cảnh sát tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết, số vụ bạo lực gia đình được báo cáo tăng gấp ba lần trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, từ 47 lên 162 vụ. "Dịch bệnh đã tác động rất lớn đến bạo lực gia đình. Theo thống kê của chúng tôi, 90% nguyên nhân của bạo lực (trong giai đoạn này) có liên quan đến dịch Covid-19", ông Wan Fei, một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu, người sáng lập chiến dịch từ thiện chống bạo hành gia đình, cho hay.
Ở Brazil, tình trạng này cũng tương tự. Theo đài phát thanh Globo, một trung tâm tình thương đã tiếp nhận tin báo về bạo hành gia đình tăng vọt trong các khu cách ly để ngăn Covid-19. "Chúng tôi nghĩ có sự gia tăng 40% hoặc 50% số vụ. Chúng ta cần bình tĩnh để giải quyết khó khăn này", Adriana Mello, một thẩm phán ở Rio de Janeiro chuyên về bạo lực gia đình, cho biết.
Chính quyền vùng tự trị Catalonia của Tây Ban Nha cũng thông báo các cuộc gọi tới đường dây của họ tăng 20% trong vài ngày đầu kể từ khi lệnh phong tỏa được áp đặt. Tại Síp, các vụ ngược đãi được báo qua đường dây nóng tương tự tăng 30% trong tuần sau ngày 9/3, khi quốc đảo xác nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. "Số vụ gia tăng mạnh mẽ. Đường dây trợ giúp 24/24 của chúng tôi lúc nào cũng có cuộc gọi đến", Annita Draka, Hiệp hội phòng chống bạo lực gia đình có trụ sở tại Nicosia, thủ đô của Sip, cho biết.
Những con số đáng báo động trên mới chỉ ghi được những trường hợp phụ nữ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhiều người không thể thực hiện cuộc gọi vì họ sợ hoặc bị ngăn cản.
Ở Italy, các cuộc gọi tới đường dây trợ giúp giảm mạnh, nhưng nhiều tin nhắn và email có nội dung rất tuyệt vọng. "Một người phụ nữ phải tự nhốt mình trong phòng tắm để nhắn tin cầu cứu", Lella Palladino, chủ tịch của DiRe, mạng lưới chống bạo hành phụ nữ, nói và cho biết thêm nhiều người tuyệt vọng hơn khi không thể chạy ra ngoài. Palladino dự đoán sẽ có "sự gia tăng bùng nổ" số vụ lạm dụng được báo cáo khi các hạn chế đi lại được nới lỏng.
Chính quyền ở nhiều quốc gia đã nhận ra vấn đề và họ cũng có những phản ứng đầu tiên. Ở Tây Ban Nha - nơi lệnh phong tỏa vô cùng nghiêm ngặt và nhiều người đang bị phạt vì vi phạm - chính phủ thông báo sẽ không áp dụng lệnh cấm với những người phụ nữ phải ra khỏi nhà để báo cáo hoặc trốn chạy bạo lực gia đình.
Nhưng từng đó là chưa đủ. Ngày 19/3, nước này đã chứng kiến vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình đầu tiên kể từ khi có lệnh phong tỏa. Một người phụ nữ bị chồng sát hại trước mặt con cái ở tỉnh ven biển Valencia.
Các nhà hoạt động cho biết mối đe dọa gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em là "tác dụng phụ" có thể dự đoán được của lệnh phong tỏa. "Tình trạng này xảy ra trong mọi cuộc khủng hoảng. Những gì chúng tôi lo lắng là tỷ lệ bạo lực đang gia tăng trong khi các dịch vụ trợ giúp phụ nữ hoặc khả năng tiếp cận các dịch vụ này suy giảm. Đây là một thử thách thực sự", Marcy Hersh, một quản lý cấp cao về vận động nhân đạo tại Women Delivery – một tổ chức bảo vệ phụ nữ, cho biết.
Nhiều quốc gia xuất hiện những lời kêu gọi thay đổi chính sách hoặc pháp lý để giảm nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi trong khu vực cách ly.
Ở Anh, Mandu Reid, lãnh đạo đảng Bình đẳng Phụ nữ, kêu gọi cảnh sát đuổi những kẻ bạo hành ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa.
Một công tố viên ở Trento, Italy, ra quy định trong các tình huống bạo lực gia đình, kẻ bạo hành phải rời khỏi gia đình chứ không phải nạn nhân. Tổng liên đoàn Lao động (CGIL) đã hoan nghênh quyết định trên.
"Mọi người đều thấy khó khăn khi phải ở yên trong nhà vì Covid-19, nhưng nó trở thành cơn ác mộng thực sự đối với các nữ nạn nhân của bạo lực", CGIL cho hay.
Tại Đức, chủ tịch nhóm nghị sỹ Đảng Xanh ở Quốc hội Đức, bà Katrin Göring-Eckardt kêu gọi chính phủ cung cấp những nơi ở an toàn cho họ. "Không gian trong các ngôi nhà an toàn cho phụ nữ bị thiếu thốn ngay cả trong thời điểm bình thường", bà nói với truyền thông Đức và kêu gọi các nhà chức trách xem xét chuyển đổi các khách sạn và nhà khách trống làm nơi trú ẩn cho những phụ nữ bị bạo lực. Đồng thời bà đề xuất bỏ quy định cấm rời nhà cho những phụ nữ dễ bị tổn thương.
Phó chủ tịch nhóm nghị sỹ Đảng Xanh, Katja Dörner, đề xuất thực hiện các chuyến kiểm tra thường xuyên những trường hợp có nghi ngờ trẻ em bị ngược đãi, bất chấp các quy tắc cấm tiếp xúc.
Cảnh sát ở bang Uttar Pradesh, một trong những nơi có tình trạng bạo lực tệ nhất ở Ấn Độ, đã cung cấp đường dây nóng trợ giúp khi số vụ gia tăng.
"Chặn nCoV, không phải chặn tiếng nói của bạn", một biểu ngữ trên trang nhất một tờ báo cho hay. Cảnh sát hứa sẽ xử lý từng trường hợp và cảnh sát có thể bắt giữ thủ phạm của bất kỳ hành vi bạo lực nào.
Maria Syrengela, người đứng đầu cơ quan chính sách gia đình và bình đẳng giới của Hy Lạp, cho biết họ nhận ra được bạo lực gia đình là vấn đề thường xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng nên đang nỗ lực để ngăn chặn.
"Một khi số liệu chính thức được công bố vào tuần tới và chúng tôi biết quy mô thực sự của vấn đề, chúng tôi sẽ tận dụng các kênh truyền hình cũng như phương tiện truyền thông xã hội và báo chí chính thống. Tôi chắc chắn tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng sẽ khiến tình trạng này (bạo lực gia đình) trở nên tồi tệ hơn", bà nói.
Ánh Dương (Theo The Guardian)