Với nhiệt độ cao kỷ lục ở tây bắc Thái Bình Dương, British Columbia đang phải đối mặt với số lượng đám cháy rừng ngày càng tăng. Nắng nóng và cháy rừng diện rộng kết hợp tạo thành một dạng mây vũ tích hình thành phía trên nguồn nhiệt, gọi là Cumulonimbus flammagenitus. Dạng mây giông này phóng ra vô số tia sét, có thể tiếp tục châm ngòi cho cháy rừng.
Chris Vagasky, nhà khí tượng học ở Vaisala, chia sẻ cảm biến của Mạng lưới phát hiện sét Bắc Mỹ ghi nhận 710.177 tia sét trên khắp British Columbia và tây bắc Alberta trong thời gian chỉ 15 giờ từ chiều ngày 30/6 đến sáng sớm ngày 1/7. Trong số đó, 112.803 tia sét đánh từ đám mây xuống mặt đất, còn 597.314 tia sét ở trong đám mây, có nghĩa chúng không chạm đất. Vagasky ước tính con số trên chiếm khoảng 5% số tia sét hàng năm ở Canada.
Các nhà khí tượng học và nhà khoa học khí hậu cảnh báo mây Cumulonimbus flammagenitus và sét đi kèm có thể tạo thêm nhiều đám cháy rừng trên khắp cả nước. "Tôi đã theo dõi nhiều đám cháy rừng liên quan tới loại mây nhiệt đối lưu này từ kỷ nguyên vệ tinh", nhà khoa học khí hậu Daniel Swain ở Đại học California, Los Angeles, chia sẻ. "Đây là một trận bão lửa theo đúng nghĩa đen, tạo ra hàng nghìn tia sét và gần như chắc chắn là vô số vụ cháy mới".
Canada đạt nhiệt độ kỷ lục 47,9 độ C hôm 28/6. Nhiệt độ này được ghi nhận tại thị trấn Lytton ở phía đông bắc Vancouver. Vài ngày sau, 90% thị trấn bị thiêu rụi hoặc phá hủy bởi những đám cháy rừng. Hôm 2/7, Cơ quan cháy rừng British Columbia ghi nhận 78 đám cháy đang hoạt động.
Trong quá khứ, Bắc Mỹ thường trải qua nhiệt độ dịu mát, vì vậy thời tiết nóng bức gây bất ngờ cho cư dân địa phương và cả hệ thống cơ sở hạ tầng. Ít nhất 486 ca đột tử được ghi nhận trong 5 ngày qua tại British Columbia suốt thời gian nắng nóng.
Ở Portland, Oregon, Mỹ, xe điện phải tạm dừng hoạt động 3 ngày sau khi nhiệt độ tăng vọt làm chảy dây điện và biến dạng đường dây trên cao. Nắng nóng kéo dài tại nhiều nơi ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương chủ yếu do ảnh hưởng của vòm nhiệt giữ lại hơi nóng từ mặt đất ở Canada và Mỹ.
An Khang (Theo IFL Science)