Thông tin này được tờ Nhân dân Nhật báo công bố hôm qua. Vụ bạo loạn khiến 197 người chết và hơn 1.600 người bị thương, là vụ bạo động có yếu tố sắc tộc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Trung Quốc.
Tỉnh trưởng Tân Cương là ông Nuer Baikeli nói với các phóng viên rằng cuộc bạo loạn là một âm mưu của các phần tử ly khai sống ở nước ngoài, nhằm chia tách Tân Cương khỏi Trung Quốc.
Khu tự trị rộng lớn này có khoảng 20 triệu dân, trong đó một nửa là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, một nửa là những người Hán di cư lên. Tại các thành phố, người Hán chiếm đa số. Tân Cương là khu vực giàu tài nguyên và có vị trí địa lý rất quan trọng, giáp với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.
Dân quân tuần tra ở Urumqi. Ảnh: Reuters. |
Dẫn lời các nhân chứng và những đoạn băng video an ninh, tờ báo nói trên cho hay những kẻ chủ mưu đã chỉ đạo bạo loạn tại ít nhất 50 địa điểm ở Urmqi, trong đó có các tòa nhà của chính quyền và đồn công an. Một số kẻ gây bạo loạn được chở trên xe ô tô đến những địa điểm đã định.
Những ngày trước khi cuộc bạo loạn diễn ra, có sự "gia tăng nóng" lượng bán ra các loại mã tấu, thường được dùng trong những cuộc bạo động. Mặt khác, số lượng xe bị đốt rất nhiều chứng tỏ những kẻ đốt xe đã học được cách thức và luyện tập thủ thuật này từ trước.
Nhân dân Nhật báo cũng cho rằng có sự xuất hiện của những kẻ được cho là cầm đầu bạo loạn, gồm một nhóm ăn mặc giống nhau, trong đó có cả phụ nữ choàng khăn đen trùm đầu. "Những người phụ nữ này xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau", báo dẫn hình ảnh thu được từ các camera an ninh cho hay.
Ông Nuer Baikeli cho biết cảnh sát Trung Quốc đã bắn chết 12 người Duy Ngô Nhĩ có vũ trang, do những người này phớt lờ đạn cảnh cáo.
Giới chức Tân Cương hôm qua cho hay cơ quan lập pháp địa phương sẽ nhanh chóng hoàn thiện các công cụ luật pháp để tăng cường chống ly khai. Họ cũng sẽ cho in thêm các sổ tay pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số để phát cho người dân.
Bạo loạn ở Tân Cương xảy ra đêm 5/7, khi những người Duy Ngô Nhĩ đập phá nhà cửa, cửa hàng, đánh đập người dân trên phố. Hai ngày sau, hàng loạt người Hán cầm gậy gộc tề tựu trên phố, kêu gọi trả thù. Cảnh sát và quân đội Trung Quốc được triển khai và đã vãn hồi trật tự ngay sau đó. Họ bắt giữ hàng trăm người để thẩm vấn.
T. Huyền (theo Reuters, Xinhua)