6 người thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương trong những cuộc loạn đả hai ngày qua, sau tấn thảm kịch làm chết 74 người tại sân bóng đá ngày 1/2 ở Port Said. Sự việc làm gia tăng phẫn nộ trong người dân về tình trạng mất an ninh của đất nước, đúng vào dịp đánh dấu một năm sau cuộc nổi dậy.
Theo AP, người dân ở khắp các thành phố Cairo, Alexandria, Suez và các thành phố ở đồng bằng sông Nile đã chỉ trích cảnh sát và kêu gọi chính phủ, do thống tướng Hussein Tantawi đứng đầu, từ chức.
Người biểu tình Ai Cập đổ xuống đường sau thảm họa bóng đá tồi tệ nhất trong lịch sử. Ảnh: AFP |
Tại quảng trường Tahrir ở Cairo, trung tâm của cuộc nổi dậy chống chính quyền lật đổ tổng thống Hosni Mubarak một năm trước, năm nay những người biểu tình cũng giơ các khẩu hiệu và ảnh của những người thiệt mạng tại Port Said và hô vang những khẩu hiệu chống cảnh sát và các nhà lãnh đạo lâm thời.
Cảnh sát, lực lượng đã hàng thập kỷ qua nổi tiếng với tệ tham nhũng và tra tấn dưới chế độ Mubarak, nay tiếp tục bị chỉ trích vì sự thiếu kiểm soát hoặc cố ý để xảy ra vụ bạo động tại sân bóng.
Nhiều người Ai Cập cho rằng, sự việc lần này xảy ra do cảnh sát yếu kém về năng lực, bên cạnh đó còn là sự thất bại tổng thể lớn hơn của Hội đồng quân sự trong việc điều hành đất nước vượt qua thời kỳ hỗn loạn.
Nhà lãnh đạo dân chủ Mohamed ElBaradei nhận xét rằng sự chậm trễ trong việc cải cách bộ máy an ninh chính là "tội ác chống lại đất nước", và tình trạng hiện nay là "cái giá phải trả trong giai đoạn chuyển tiếp".
Video: Bạo loạn sau thảm kịch bóng đá
Đụng độ và bạo lực bắt đầu leo thang ở Cairo từ ngày 2/2 sau khi thi thể các cổ động viên bóng đá được trả về để mai táng. Người biều tình kéo về trụ sở của Bộ Nội vụ ném đá và tấn công cảnh sát.
Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và đạn bắn chim. Người biểu tình đội mũ và đeo mặt nạ chống độc để "tác chiến" dưới những làn khói của hơi cay. Họ đốt lốp xe dày đặc trên các con phố.
"Tôi đến đây vì tôi đang cố gắng làm tất cả để giành lại quyền và tiếng nói của người dân", Ahmed Emad, 20 tuổi, người có hai người bạn đã chết ở Port Said, nói với AP. "Nếu tôi ngồi nhà, tôi sẽ phải nổ tung lên trước những gì đã thấy".
Con số thương vong do bạo lực lan rộng tăng lên 6 người trong đó có một sĩ quan ở Cairo. Một người đã chết vì trúng đạn và hơi cay ở cự ly gần và 4 người thiệt mạng ở Suez sau khi cảnh sát nổ súng vào đám đông khoảng 3.000 người trước trụ sở cảnh sát.
Thảm kịch bóng đá, thảm kịch an ninh
Hôm 1/2, thảm kịch bóng đá nghiêm trọng nhất Ai Cập nổ ra khi một cổ động viên của đội chủ nhà, Al-Masry, xông vào sân sau khi câu lạc bộ của họ đánh bại Al-Ahly, một trong những đội mạnh của Cairo. Đoạn phim chiếu trên đài truyền hình quốc gia cho thấy hình ảnh cảnh sát trong đồng phục màu đen và thiết bị chống bạo động đã đứng yên, không làm gì để ngăn chặn cơn hỗn loạn.
Đây là vụ đổ máu tồi tệ nhất trong 15 năm qua của nền bóng đã thế giới. Vụ việc đã gây nên sự phẫn nộ cho người dân vốn đã thất vọng với tốc độ cải cách của nhà nước.
Ultras, câu lạc bộ cổ động viên nhiệt thành của Al-Ahly, nổi lên trong cuộc nổi dậy chống cảnh sát, cáo buộc các nhân viên an ninh đã cho phép cổ động viên của đội Al-Masry tấn công. Còn một số nhà lập pháp cho rằng quân đội khoanh tay đứng nhìn chính là để chứng minh sự cần thiết phải khôi phục những đạo luật khẩn cấp, cho phép cảnh sát có nhiều quyền lực, đã bị hủy bỏ gần đây.
Về phần mình, cảnh sát bực bội vì phải chống đỡ với những vụ bạo động, đồng thời họ cũng lo sợ bị chỉ trích hoặc thậm chí ngồi tù vì sử dụng vũ lực quá mạnh.
Còn những tướng lĩnh cầm quyền lên tiếng tố cáo có "bên thứ ba" và "bàn tay nước ngoài" đứng đằng sau các vụ bạo động. Thống tướng Tantawi nói: "Sự cố bóng đá như vừa rồi có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Chúng tôi sẽ không bỏ qua cho những kẻ đứng sau âm mưu... An ninh của Ai Cập sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này".
Sự thất bại của cảnh sát trong việc ngăn chặn bạo động sau trận bóng là ví dụ điển hình nhất trong một loạt các sai sót an ninh làm tình hình tội phạm tăng vọt kể từ sau cuộc nổi dậy.
Hai du khách Mỹ và hướng dẫn viên du lịch của họ đã bị bộ lạc Bedouin bắt cóc và giam giữ trong nhiều giờ. Những người này bị uy hiếp bằng súng và bị tấn công trắng trợn trên đường cao tốc đông đúc ở sa mạc Sinai, điều này đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp du lịch của Ai Cập.
Ở những nơi khác trên bán đảo Sinai, bốn tay súng bịt mặt đã chặn xe của hai công nhân của nhà máy sản xuất thực phẩm người Italy ở thành phố Suez, cướp xe và hơn 13.000 USD cùng máy tính của họ.
Ngày 30/1, cũng xảy ra nhiều vụ cướp nghiêm trọng tại Cairo, bao gồm hai vụ cướp ngân hàng và một vụ cướp bưu điện. Aden Shokry, tổng thư ký hiệp hội khách sạn nam Sinai, nói: "Tình trạng bất ổn diễn ra khắp nơi. Các cơ quan an ninh làm việc không hiệu quả. Họ phải xem xét lại vị trí của họ và tôi nghĩ quân đội phải can thiệp để bổ sung và đảm bảo an ninh cho người dân".
Vũ Hà