Lực lượng an ninh Trung Quốc trên đường phố Lhasa ngày 16/3. Ảnh: AFP. |
Thị trưởng Lhasa Doje Cezhug tuyên bố: "Chúng tôi không áp dụng thiết quân luật và tình hình tại Tây Tạng nhìn chung đã tốt đẹp vào thời điểm này". Ông cho biết thêm, cuộc bạo động nổ ra hôm thứ sáu tuần trước tại đây là do một nhóm nhà sư và những kẻ "bất tuân luật pháp" châm ngòi bằng các vụ đánh đập, đốt phá và cướp bóc.
Trung Quốc cũng thông báo, cuộc bạo loạn vừa qua làm 12 cảnh sát bị thương và có ít nhất 10 dân thường thiệt mạng. Những kẻ phá rối đã đốt cháy 22 tòa nhà gồm các trường học, bệnh viện và những cơ sở công cộng khác, thiêu hủy hàng chục xe cảnh sát và xe tư, đồng thời cướp phá một số ngân hàng.
Các cơ quan thực thi pháp luật tại Tây Tạng ngay sau đó ra thông báo, kêu gọi những kẻ nổi loạn chấm dứt các hành động phạm pháp và ra đầu hàng để hưởng lượng khoan hồng.
Trong khi đó, báo chí ngoài Trung Quốc đưa tin về tình hình tại Tây Tạng rất khác nhau, đặc biệt là con số người dân thiệt mạng. Báo South China Morning Post ở Hong Kong cho rằng số người chết vào khoảng 30, trong khi các nguồn khác lại khẳng định con số này là 80.
Làn sóng biểu tình và bạo động vừa qua tại Tây Tạng là nhằm đòi tách vùng đất này khỏi Trung Quốc. Ngoài những diễn biến tại Lhasa, các cuộc biểu tình của người Tây Tạng sống lưu vong ở nước ngoài cũng diễn ra vài ngày qua tại Anh, Nepal, Ấn Độ, Australia...
Đình Chính (theo Xinhua, AFP)