Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Bangladesh từ đầu tháng 7 để yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch viên chức và dần tăng nhiệt trong tuần này, trở thành đụng độ chết người giữa sinh viên và cảnh sát vũ trang ở thủ đô Dhaka.
Bạo lực nổ ra ở Dhaka hôm 18/7, khi hàng nghìn sinh viên mang theo gậy gộc, gạch đá tuần hành trên đường. Khi cảnh sát bắn đạn cao su vào đoàn biểu tình, những người này chống trả và dồn họ vào trụ sở đài truyền hình Bangladesh.
Người biểu tình phóng hỏa đốt một tòa nhà của đài truyền hình cùng hàng chục phương tiện đậu bên ngoài. Giám đốc đài sau đó cho biết toàn bộ nhân viên đã sơ tán khỏi tòa nhà. Nhân chứng nói hàng trăm người bị thương khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Người biểu tình cũng đốt khoảng chục chiếc xe ở lối vào cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia. Khoảng 60 cảnh sát được trực thăng giải cứu khi mắc kẹt trên nóc tòa nhà trong khuôn viên Đại học Canada, nơi xảy ra một số vụ đụng độ nghiêm trọng nhất ở Dhaka.
Khi màn đêm buông xuống, mạng Internet ở Bangladesh rơi vào tình trạng ngừng hoạt động "gần như hoàn toàn".
Theo thống kê của AFP dựa trên dữ liệu bệnh viện, ít nhất 32 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ngày 18/7, bên cạnh 7 người chết hồi đầu tuần. Mô tả từ hồ sơ bệnh viện cho thấy vũ khí của cảnh sát là nguyên nhân gây ra ít nhất 2/3 số ca tử vong.
"Có 7 người chết ở đây", một quan chức tại bệnh viện Uttara Crescent ở Dhaka, nói. "Hai người đầu tiên là sinh viên chết do vết thương đạn cao su. 5 người còn lại trúng đạn thật". Gần 1.000 người đã được điều trị tại bệnh viện vì vết thương trong các cuộc đụng độ và nhiều người bị thương do đạn cao su.
Nhiều thành phố trên khắp Bangladesh chứng kiến tình trạng bạo lực cả ngày. Cảnh sát chống bạo động tuần hành trấn áp người biểu tình, khi họ bắt đầu chặn các tuyến đường bộ và đường cao tốc.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra gần như hàng ngày trong tháng này ở Bangladesh để phản đối chính sách phân bổ hạn ngạch viên chức vốn được chính phủ nước này áp dụng trong nhiều năm qua.
Theo chính sách này, Bangladesh dành hơn một nửa chỉ tiêu tuyển dụng viên chức cho các nhóm đặc quyền, như con của cựu binh trong cuộc chiến giải phóng khỏi Pakistan năm 1971. Những người chỉ trích cho rằng kế hoạch này chỉ có lợi cho con cái những người ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina.
Đây là những cuộc biểu tình nghiêm trọng nhất từ khi bà Hasina tái đắc cử, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên. Gần 1/5 trong số 170 triệu dân của Bangladesh không có việc làm hoặc không được học hành.
Bà Hasina, 76 tuổi, lãnh đạo đất nước từ năm 2009 và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thứ tư liên tiếp hồi tháng 1. Chính phủ của bà đã bãi bỏ hệ thống hạn ngạch viên chức vào năm 2018, nhưng một tòa thượng thẩm đã khôi phục lại hệ thống này vào tháng trước. Chính phủ kháng cáo và Tòa án Tối cao đã đình chỉ lệnh của tòa thượng thẩm, chờ xét xử đơn kháng cáo của chính phủ vào ngày 7/8.
Chính phủ cho biết sẵn sàng đàm phán với người biểu tình, song họ từ chối, nói rằng "thương lượng không thể đi đôi với súng đạn".
Thủ tướng Hasina hôm 17/7 có bài phát biểu toàn quốc nhằm tìm cách xoa dịu các cuộc đụng độ đang leo thang. Bà lên án những vụ "sát hại" người biểu tình và cam kết những người chịu trách nhiệm sẽ bị trừng phạt, bất kể thuộc đảng phái chính trị nào.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực vẫn trở nên tồi tệ hơn. Người biểu tình Bidisha Rimjhim, 18 tuổi, nói rằng "yêu cầu đầu tiên là Thủ tướng phải xin lỗi chúng tôi". "Thứ hai, công lý phải được thực thi cho những người anh em của chúng tôi đã bị sát hại", Rimjhim nói thêm.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm 18/7 cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên kiềm chế , đồng thời hối thúc chính phủ Bangladesh điều tra mọi hành vi bạo lực, buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm. "Bạo lực không bao giờ là giải pháp", Dujarric nói.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)