-
17h50
- Bão đổ bộ Quảng Ninh - Hải Phòng lúc 12h
- Suy yếu thành áp thấp nhiệt đới lúc 16h trên địa phận Quảng Ninh - Hải Phòng
- Miền Bắc mưa to
- Hà Nội mưa giông, sấm chớp
- Sơn La mưa to làm 2 người chết, 1 người mất tích -
17h30
Theo thống kê nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, bão gây mưa trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc khiến 2 người chết, một người mất tích, đều quê Sơn La. Do bất cẩn khi đi lại trong mưa lũ, chị Lò Thị Thương, 25 tuổi, ở xã Mường Khiêng (Thuận Châu) và cụ Giàng Tao Lánh, 100 tuổi ở xã Chiềng Tương (Yên Châu) đã thiệt mạng.
Mưa lớn làm sập nhà anh Hà Văn Thắng ở huyện Mộc Châu, cuốn trôi 4 người. 3 người lớn trong gia đình được cứu thoát, còn cháu Hà Văn Kiên (4 tuổi) mất tích vẫn chưa tìm thấy.
Tại Quảng Ninh, từ 4h sáng sóng kèm theo gió lớn đánh đứt neo một đầu kéo và 4 sàn lan đang neo đậu trú bão thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn và trôi dạt sang xã đảo Ngọc Vừng. Đầu giờ chiều cùng ngày, các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Ngọc Vừng đã tiếp cận được đầu kéo cứu hộ và đưa cả 10 thuyền viên trên một trong 4 chiếc sà lan bị trôi dạt vào bờ an toàn.
“Sức khỏe của 10 thuyền viên đã ổn định và đang được chăm sóc tại Đồn Biên phòng Ngọc Vừng”, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói và cho biết các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng đang tiếp cận các sà lan còn lại. Tuy nhiên do gió lớn, biển động nên việc đưa sà lan vào bờ gặp nhiều khó khăn.
-
16h30
Sau khi đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng gây gió mạnh cấp 8, bão Kujira đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và hiện vẫn ở trên hai tỉnh này. Dự báo bão giữ hướng tây bắc, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, tối và đêm nay bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió giật cấp 8-10, sóng biển cao 3-5 m. Vùng ven biển Quảng Ninh- Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4 m.
Bão gây mưa to ở phía đông Bắc Bộ, trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3 m.
Tàu thuyền neo đậu ở Vân Đồn (Quảng Ninh) để tránh trú bão. Ảnh: Minh Cương.
Nằm sâu trong nội địa, Hà Nội vẫn chịu ảnh hưởng gián tiếp của bão. Từ chiều thủ đô đã có mưa giông, sớm chấp. Dự báo từ tối nay đến sáng mai, trời tiếp tục có mưa với lượng khoảng 80-130 mm. Nhiều khu vực trũng ở nội thành có thể ngập từ 0,2 m đến 0,4 m.
-
15h30
Ảnh hưởng của bão, miền Bắc có mưa diện rộng. Tại Mộc Châu (Sơn La), mưa to từ nửa đêm qua đến nay chưa dứt khiến cho mực nước sông, suối dâng cao. Mưa lũ làm sập nhà, cuốn trôi một gia đình người dân ở bản Cang, xã Chiềng Khừa khiến một cháu bé 4 tuổi mất tích.
“Hiện, chính quyền cùng lực lượng biên phòng chia thành các tổ, đi đến các xã sơ tán những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn", ông Nguyễn Việt Hưng, Chánh văn phòng UBND huyện Mộc Châu cho biết.
-
15h00
Khu vực phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình. Ảnh: Trần Sơn
Mưa to nhiều giờ qua đã khiến thành phố Thái Bình ngập lụt. Đoạn giao lộ giữa đường Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng ngập sâu khoảng 0,5 m khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. Đoạn quốc lộ 39 chạy quay trụ sở phường Trần Lãm, nước ngập sâu đến 2/3 bánh xe máy.
Trong khi đó tại thành phố Hải Phòng, gió đã lặng, nhưng mưa lại nặng hạt. Nếu tiếp tục mưa như vậy, chỉ khoảng nửa tiếng nữa nhiều khu vực trũng có thể ngập.
Đường Ngô Gia Tự, thành phố Hải Phòng ngập vì mưa do bão. Ảnh: Giang Chinh.
Tại các địa phương ven biển của Quảng Ninh như thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long trời cũng lặng gió, mưa đã ngớt.
Nằm rìa cơn bão Kujira, Nam Định từ sáng đến nay liên tục có mưa. Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa phổ biến 50-100 mm, gió vùng ven biển gió mạnh cấp 7, có nơi giật cấp 9-10. Cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ ven biển tập trung thu hoạch lúa còn sót lại và hoa màu vụ xuân, kiểm tra hệ thống đê kè, cống. Vì dự báo hoàn lưu sau bão gây mưa to trên diện rộng.
-
14h30
Bản tin lúc 14h30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho thấy, bão đã đi vào địa phận Quảng Ninh - Hải Phòng gây gió giật cấp 9-10 và 10-12 trên vịnh Bắc Bộ, sóng biển có thể cao 2-4m; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8.
Hồi 14h, tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, sức gió mạnh nhất cấp 8 (tối đa 70 km/h), giật cấp 10-11. Dự báo 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ khoảng 10 km vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.
Mưa to có thể kéo dài hai ngày ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây nguy cơ xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
-
14h00
Hải Phòng thi thoảng có những đợt gió giật rít, mưa vẫn tiếp tục. Dọc bờ biển khu nghỉ mát Đồ Sơn được lực lượng chức năng túc trực, ngăn người dân hiếu kỳ ra bờ kè chụp ảnh, ngắm sóng. Trước đó, Hải Phòng từng có người thiệt mạng do đứng gần bờ kè chụp ảnh sóng biển.
Hiện gió thay đổi từ hướng tây bắc sang tây nam. Theo kinh nghiệm của ngư dân, nếu gió chuyển từ tây nam sang đông nam là bão tan hẳn.
Quảng Ninh mưa rất to, gió cấp 5-6. "Hệ thống đê điều ở đảo Hà Nam chưa bị ảnh hưởng gì", ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh có mặt chỉ đạo chống bão tại thị xã Quảng Yên cho biết.
Trên sông Chanh, gió khoảng cấp 5-6. Ảnh: Minh Cương.
-
13h30
Là thị xã giáp biển, Quảng Yên (Quảng Ninh) có mưa rất to, gió cấp 5-6, nước đang dâng nhanh trên sông Chanh, Bạch Đằng.
Trong khi đó tại Đồ Sơn (Hải Phòng), sau khoảng 15 phút lặng gió, hiện gió thổi mạnh trở lại và liên tục đảo chiều làm cây cối ven biển nghiêng ngả.
Chiến sĩ Trung đoàn 50, Bộ Chỉ huy quân sự Hải Phòng, giúp ngư dân chằng buộc tàu thuyền tại bến cá Ngọc Hải, Đồ Sơn. Ảnh: Giang Chinh.
Tại huyện Tiền Hải (Thái Bình), gió giật lên khoảng cấp 8. Thiếu tá Lâm Mạnh Hồi, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Lân cho biết, dù đã chuẩn bị trước khi bão vào, nhưng cơ quan chức năng vẫn gặp khó khăn khi kêu gọi một số chủ đầm nuôi ngao và các tàu thuyền đánh bắt gần bờ vào đất liền.
“Một số chủ đầm lo sợ mất tài sản nên cố ở lại chòi canh, chúng tôi phải cưỡng chế, kiên quyết không để cho người dân ở lại ven biển”, thiếu tá Hồi cho hay. Đồn biên phòng Cửa Lân đã kêu gọi 685 tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
-
13h00
Quảng Ninh: Huyện đảo Vân Đồn có mưa nặng hạt kèm gió mạnh. Thành phố Hạ Long gió không đều, có lúc như dừng hẳn. Sáng nay, chính quyền đã cấm xe máy, xe thô sơ qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn.
Huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương.
Hải Phòng có mưa lớn, thuỷ triều đang lên. Hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Tư lệnh biên phòng Hải Phòng túc trực trên biển và các điểm xung yếu thuộc huyện đảo Cát Hải, quận Đồ Sơn.
Hơn 100 ngư dân neo đậu tàu thuyền tại bến Ngọc Hải đã được chính quyền đưa vào trụ sở UBND phường Ngọc Hải (Đồ Sơn) tránh trú.
Người dân trên các thuyền bè tránh bão tại trụ sở UBND phường Ngọc Hải. Ảnh: Giang Chinh.
-
12h30
Thái Bình, nơi được dự báo tâm bão đi qua bắt đầu mưa nặng hạt, gió và sóng biển đang mạnh dần lên. "Tuy nhiên thời điểm này chưa phải đỉnh triều, 16h thủy triều mới lên cao", thượng úy Vũ Đình Long, chính trị viên phó Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình đứng ở cảng Điêm Điền, huyện ven biển Thái Thụy cho biết.
Trước đó, Bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, gia cố hơn 5 km đê từ cầu cảng Diêm Điền đến xã Thái Hà, đồng thời giúp dân chằng chống nhà.
"Nhận định đây là cơn bão bình thường nên người dân không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan mà vẫn lo gia cố nhà cửa, đưa tàu thuyền vào cảng", thượng úy Long nói.
Trung đoàn 50 Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tại bến Săm, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh.