Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tối 13/10 bão đang ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), vài tiếng nữa sẽ xuống vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 10. Đảo Bạch Long Vĩ đã ghi nhận gió cấp 9; đảo Cô Tô gió cấp 7; Cửa Ông gió cấp 6.
Đêm nay, bão theo hướng tây với tốc độ 25 km/h, đi vào vùng biển phía nam vịnh Bắc Bộ và tiếp tục suy yếu. Đến 7h ngày 14/10, tâm bão trên vùng biển từ Nam Định đến Quảng Bình, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9. Sau đó bão đi vào các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão đang trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió 108 km/h, khi vào vịnh giảm còn 82 km/h và còn 65 km/h khi đổ bộ. Đài Hong Kong và đài Hải quân Mỹ dự báo bão đổ bộ khu vực Thanh Hóa - Nghệ An với sức gió 75 km/h.
Từ hôm nay đến ngày 14/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; một số nơi ở phía bắc hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh.
Bắc Biển Đông (gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) trong đêm 13/10 còn có gió mạnh cấp 7-8, sóng biển cao 4-6 m. Vịnh Bắc Bộ (gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (gồm huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh dần từ cấp 6 đến 9, sóng biển cao 3-5 m.
Từ nay đến ngày 15/10, Bắc Bộ và Quảng Trị mưa với lượng phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa 200-300 mm, có nơi trên 350 mm, đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, ven sông.
Từ ngày 16/10 đến ngày 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp, Trung Bộ tiếp tục mưa to.
Quân đội, công an giúp dân phòng tránh bão
Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đầu giờ chiều 13/10, Quân khu 4 đã thành lập hai đoàn công tác ứng phó bão Kompasu; mở rộng phạm vi cấm biển ra các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Hơn 380.000 bộ đội, dân quân tự vệ cùng gần 3.000 phương tiện gồm 99 tàu, xuồng, hơn 1.00 ca nô, 15 máy bay, 274 xe đặc chủng, hơn 1.500 ôtô sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp cần thiết.
Đại diện Bộ Công an cho biết đã chuẩn bị 5.000 phương tiện đường thủy, hơn 1.300 phương tiện đường bộ, hơn 1.000 máy phát điện, 40.000 phao cứu sinh và trên 68.000 chiến sĩ công an để ứng phó với bão.
Ngành công an cũng đã bố trí lượng lượng kiểm soát phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, nơi nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, không cho người dân đi qua khi chưa đảm bảo an toàn; cắt cử công an hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam về quê có nơi tránh trú bão.
Chiều 13/8, kiểm tra công tác phòng chống bão tại Nghệ An, nơi bão dự kiến đổ bộ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh tăng cường truyền thông để người dân nắm được diễn biến mưa bão, đặc biệt là thông tin xả lũ tại các hồ bởi địa bàn có hơn 1.000 hồ đập đầy nước.
Vừa tập trung đối phó với bão, Nghệ An còn phải phòng chống Covid-19, đảm bảo an toàn các khu cách ly tập trung và dòng người di cư ở các tỉnh phía Nam trở về. Bộ trưởng Hoan đánh giá ba yếu tố này diễn ra cùng lúc nên rất dễ có rủi ro. Chính quyền cần lưu ý phương án đảm bảo an toàn, cần thiết thì cấm người dân đi lại trong lúc mưa bão.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác đã tới kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại công trình hồ chứa Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai), khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), khu vực chân kè cầu Yên Xuân (huyện Hưng Nguyên).
Bão Kompusa được hình thành từ vùng áp thấp ở phía đông của Philippines, đi qua nước này làm ít nhất 9 người chết, 11 người mất tích. Đêm 11/10, bão vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ tám ở vùng biển này.