Tuy nhiên, địa điểm mở quán chỉ là một nhà xưởng cũ, được cải tạo tạm bợ, vì thế khi xảy ra chập điện thì bùng cháy dữ dội. Mọi nỗ lực cứu hỏa đều vô ích, quán bar thành đống tro tàn chỉ sau ít giờ đồng hồ. Rất may, không ai thiệt mạng.
Nhiều phóng viên có mặt tại hiện trường ngay trong đêm, ghi hình và đưa tin về vụ cháy lớn. Cũng không có gì nguy hiểm hay bí mật, lực lượng an ninh và cứu hỏa chỉ nhắc nhở mọi người không tiếp cận hiện trường quá gần, gây nguy hiểm và ảnh hưởng công tác cứu hộ. Nhưng lúc ấy, sự ngăn cản xuất hiện từ phía khác.
Hàng chục thanh niên mặc thường phục, gần như là đồng phục: quần bò bạc, dép sandal hoặc giày thể thao, áo sơ mi “chim cò”, mũ lưỡi trai, cổ đeo dây chuyền to như sợi xích, bỗng nhiên từ đâu rải khắp đoạn đường. Họ xô đẩy phóng viên - một cách như là vô tình, đứng chắn trước các ống kính, và không ngừng ngăn cản phóng viên tác nghiệp bằng giọng điệu: “Đi về đi, có gì đâu mà quay với chụp”; “Bọn lều báo này lắm chuyện”; “Tai nạn nhà người ta...”.
“Nhà người ta” ở đây, dĩ nhiên được xóm làng truyền tai nhau bao gồm cả tên tuổi lẫn chức danh. Điều này dĩ nhiên khó mà chứng minh được bằng giấy trắng mực đen. Chỉ biết rằng, giấy phép của quán bar này được cấp trước đó một năm rưỡi, chỉ ghi được bán cà phê giải khát, đồ ăn, chứ không có hạng mục kinh doanh quán bar, vũ trường.
Tôi đứng đó, ngỡ ngàng không hiểu những người mặc thường phục ấy là ai mà hành động của họ như thể cảnh sát hình sự. Và không có một nhà chức trách nào có ý kiến về sự xuất hiện của những người đàn ông kia. Cho đến tận khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ không khí lúc ấy trước cửa quán bar bị cháy: lạnh lùng, đe dọa, trấn áp.
Loạt phóng sự điều tra nhiều kỳ của một số báo về tình trạng bảo kê vận tải ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội vừa gây xôn xao dư luận. Theo các phóng sự này, câu chuyện giống hệt cách mà đại ca Khánh “trắng” đã làm năm nào ở chợ Đồng Xuân. Tức là thông qua hình thức “tổ đội bốc xếp hàng hóa” để tụ tập nhân sự côn đồ, sau đó dùng luật giang hồ để ép tiểu thương nộp tiền bến bãi ngoài sổ sách.
Ở nhiều đô thị bây giờ, người ta thấy những tờ giấy viết vỏn vẹn dòng chữ “Gọi là có tiền” kèm một số điện thoại di động. Đó là tín dụng đen. Người có nhu cầu vay tiền nóng, chỉ cần mang chứng minh thư và sổ hộ khẩu là có thể vay từ vài triệu đến vài chục triệu. Dĩ nhiên là lãi tính theo ngày, khá cao. Nhưng cho vay kiểu tín chấp như thế, rủi ro rất lớn, và chỉ có những người không ngại đi đòi thì mới không ngại cho vay.
Bản chất luồng tín dụng đen được vận hành, trên cơ sở “không ai có thể giỡn mặt”. Một người trong giới tâm sự rằng, những nhóm tín dụng đen giờ được gọi hẳn là “công ty” và vận hành rất quy củ. Danh sách thông tin các con nợ và khoản nợ được quản lý bằng phần mềm, và khi con nợ có dấu hiệu “thuê bao ngoài vùng phủ sóng”, thì thủ quỹ của “công ty” sẽ xuất “công tác phí” cho người đi đòi. Người có thể trốn, nhưng gia đình, tài sản thì không. Và những kẻ đòi nợ tín dụng đen sẵn sàng làm những điều mà không ngân hàng nào dám làm.
Lên mạng xã hội, dễ dàng thấy rất nhiều đại ca quay clip, livestream, và nổi tiếng không kém gì những ngôi sao giải trí. Những đại ca giang hồ, khoe tiền, khoe vũ khí, chửi nhau, dọa chém dọa giết nhau, rồi phát thẻ điện thoại cho những ai tung hô hay chia sẻ những video clip của mình. Họ ngang nhiên và tự mãn đến mức, người ta phải tin rằng có một thế giới của riêng họ, thế giới của “dân anh chị”, nơi mà đồng tiền và bạo lực tạo nên uy danh, “số má”. Vừa mới vài hôm trước thôi, một nhân vật “dân anh chị” nổi tiếng trên mạng xã hội vừa được ra tù sau thời gian chấp hành án vì xả súng nơi công cộng. Những hình ảnh tự do đầu tiên của nhân vật được mệnh danh là “thánh chửi” được chia sẻ trên trang cá nhân ngay lập tức đã thu hút hàng nghìn lượt “like”. Anh ta có hết thói ngông cuồng sau thời gian ở tù không, cần có thời gian để kiểm chứng. Nhưng hàng trăm nghìn người theo dõi và ủng hộ nhiệt tình, cho thấy “vai vế” của vị “thánh chửi” này không hề giảm sút.
Sự tồn tại và dần dần tự cho phép mình xuất hiện kiểu “bán công khai” của “dân anh chị” như kể trên, cho thấy một xu thế vận hành đáng lo ngại của xã hội. Sự công khai đó, liệu có phải là vì dân anh chị bây giờ đã manh động hơn, hay là vì sự tồn tại và hoạt động của họ bây giờ có một cơ chế bảo đảm nào đó thuận tiện và vững chãi hơn ngày xưa?
Một tay giang hồ những năm 90 tặc lưỡi với tôi, ngày xưa thời bọn anh chỉ biết đi theo đại ca đánh nhau, đâm chém, hút chích, được cho gì biết nấy, “bây giờ chúng nó toàn làm ăn lớn”. Kinh doanh vũ trường, tín dụng đen, bốc xếp, thế giới ngầm bây giờ đã khôn ngoan hơn, tạo thành các thiết chế kinh tế sinh ra bạc tỷ. Quan hệ sản xuất và quan hệ kinh tế lúc nào cũng hình thành những quan hệ xã hội vững chắc nhất, đồng tiền lúc nào cũng có cách để tạo ra sự bảo vệ cho chính nó, chứ không phải là “luật giang hồ” như trong phim xã hội đen Hong Kong.
Tư duy theo hướng đó, thì dễ tưởng tượng tại sao dân anh chị bây giờ ngang nhiên hơn, và bằng cách nào.
Gia Hiền