Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 10h sáng nay tâm bão Nangka cách đảo Hải Nam khoảng 160 km, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 9, giật tăng hai cấp. Với hướng Tây Tây Bắc, chiều nay bão sẽ vào đảo Hải Nam.
"Ở phía Bắc vẫn có khối không khí lạnh chốt ở trên nên khả năng bão hướng lên phía Bắc không cao. Khả năng cao nhất bão sẽ đi vào Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh)", ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, nói.
Về cường độ bão, ông Hưởng dự báo bão mạnh nhất khi đổ bộ vào đảo Hải Nam với sức gió 100 km/h, cấp 10. Vào vịnh Bắc Bộ, bão giảm một chút và tiếp tục suy yếu còn cấp 7-8 khi áp sát đất liền.
Bão Nangka sẽ gây mưa lớn 150-300 mm trong các ngày 14-16/10 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh Trung Trung Bộ, nơi hiện tại chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ, sẽ chịu ít tác động do bão Nangka. Từ đêm nay, mưa ở khu vực này sẽ giảm dần.
Đài Nhật Bản và TSR của Đại học London đều nhận định bão Nangka sẽ vào đảo Hải Nam, sau đó hướng vào khu vực giữa nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đài TSR dự báo ngày mai bão vào Thanh Hóa, sức gió 63-118 km/h.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang xuống. Các khu đô thị từ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn ngập do do địa hình trũng thấp, khả năng thoát nước chậm.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhận định mưa lớn sẽ khiến lũ một số sông ở Bắc Bộ lên báo động 2-3. Vịnh Bắc Bộ gần khu vực bão sóng biển có thể cao 6 m. Bão vào rất dễ kết hợp với triều cường, làm tăng nguy cơ ngập lụt.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, nơi neo đậu, theo dõi chặt chẽ tin bão và hướng dẫn người dân đưa tàu thuyền vào nơi an toàn. Các địa phương cần rà soát công trình thủy điện đang thi công, công trình đang gặp sự cố. Các tỉnh Trung Bộ tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ủy ban ứng phó, sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn cho hay đang vận chuyển 18,5 tấn lương khô vào miền Trung để cứu đói cho người dân vùng ngập lụt. Các tỉnh ngập lụt đang đề xuất hỗ trợ khẩn cấp 4.500 tấn gạo cứu đói cho người dân và cả lương khô, mì tôm, lương thực thực phẩm, phương tiện cứu nạn.
Đến sáng 13/10, theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 28 người chết, tăng thêm 11 người so với ngày 11/10; 12 người mất tích. Nạn nhân ở các tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum.
Gần 131.800 ngôi nhà bị ngập lụt, sập đổ, sáu tỉnh miền Trung đã sơ tán 66.560 người ra khỏi vùng nguy nguy hiểm. Tình trạng ngập lụt, sạt lở gây ách tắc nhiều vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, quốc lộ 9 (Quảng Trị); quốc lộ 9B, quốc lộ 15 (Quảng Bình).
Tất Định - Gia Chính