"Hàng nghìn lời tán dương cho con người dũng cảm và tận tụy đã tấn công kẻ báng bổ và tội lỗi Salman Rushdie ở New York", tờ Haykan của Iran, có tổng biên tập do lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei chỉ định, đăng bình luận ngày 13/8.
Tờ báo có lập trường "diều hâu" còn gọi Rushie là "kẻ thù của Thượng đế" và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo "hôn lên bàn tay" hung thủ đâm nhà văn ở New York hôm 12/8.
Salman Rushdie, 75 tuổi, là nhà văn gốc Ấn mang quốc tịch kép Anh - Mỹ nổi tiếng với tác phẩm "Những vần thơ của quỷ Satan" nhưng gây tranh cãi trong cộng đồng Hồi giáo. Ông bị đâm trên sân khấu Học viện giáo dục Chautauqua ở New York, khi đang giao lưu và diễn thuyết.
Rushdie đã ngay lập tức được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng để cấp cứu. Người đại diện của ông cho biết tình trạng sức khỏe thân chủ "khá bi quan". Rushdie được đặt máy thở, không thể nói chuyện, gan tổn thương nghiêm trọng và có thể mù một mắt.
Nhà văn đã nhận rất nhiều lời đe dọa đến tính mạng từ Iran sau năm 1989. Các giáo sĩ nước này cho rằng tác phẩm của Rushide "báng bổ" Hồi giáo.
Thủ lĩnh Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, cố lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini, năm 1989 ban bố giáo lệnh "fatwa", kêu gọi tín đồ Hồi giáo khắp thế giới đoạt mạng nhà văn này. Rushdie sau đó nhiều năm không dám xuất hiện trước công chúng.
Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran đương nhiệm, năm 2019 từng phát thông điệp qua Twitter, cho rằng giáo lệnh từ cố giáo chủ Khomeini là "không thể thay đổi". Ông từng tuyên bố "mũi tên" mà cố giáo chủ Khomeini phóng đi hơn 4 thập kỷ trước "sẽ một ngày cắm trúng đích", ám chỉ đe dọa tính mạng của Rushdie.
Một tổ chức tôn giáo giàu có ở Iran từng treo thưởng 2,7 triệu USD cho bất kỳ ai hiện thực hóa phán quyết của cố giáo chủ Khomeini. Năm 2012, tổ chức này nâng giá lên 3,3 triệu USD.
Một số tờ báo của Iran như Khorasan hay Vatan Emrooz cũng đưa tin về vụ tấn công Salman Rushdie với ngôn ngữ thù địch. Chính phủ Iran dù vậy chưa lên tiếng bình luận về sự kiện ở New York.
Cố vấn chính phủ Iran về đàm phán hạt nhân Mohammed Marandi lưu ý vụ án xảy ra trùng thời điểm các bên đang kỳ vọng khởi động lại thỏa thuận từng ký kết vào năm 2015.
Một học giả Iran giấu tên chia sẻ với Guardian rằng "bất kỳ kẻ nào đứng sau vụ án rõ ràng muốn châm ngòi hỗn loạn và căng thẳng giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite, phe tự do và phe bảo thủ".
"Trong cộng đồng của tôi ở Iran, phần lớn không hào hứng mấy về những gì đã xảy đến với nhà văn ấy. Cá nhân tôi phản đối vụ tấn công. Tôi tin vào quyền tự do chia sẻ và bày tỏ cảm xúc. Không ai được quyền hãm hại người khác", một người Iran gốc Kurd, 29 tuổi, sống ở Sanandaj chia sẻ.
Mahshid Barati, 39 tuổi, giáo viên địa lý ở Iran hoài nghi vụ tấn công thực chất nhằm đào sâu cô lập nước ông. "Vụ tấn công sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với nhiều nước, trong đó có cả Nga và Trung Quốc", ông lo lắng.
Nhiều lãnh đạo thế giới đã lên án vụ tấn công. "Thật kinh hoàng, ông Salman Rushdie bị đâm khi đang thực thi quyền mà chúng ta không bao giờ nên ngừng bảo vệ", Thủ tướng Anh Johnson viết trên Twitter.
Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh nước Pháp ủng hộ nhà văn.
"Trong 33 năm qua, Salman Rushdie là hiện thân của tự do và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa mù quáng. Cuộc chiến của ông ấy là của chúng ta, là cuộc chiến toàn cầu. Hơn bao giờ hết, chúng tôi đứng về phía ông ấy", ông viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ ca ngợi Rushdie đã "không nản lòng trước những lời đe dọa và những nỗ lực 'bịt miệng'". Ông Biden nói rằng vợ chồng ông "cùng tất cả người Mỹ và mọi người trên thế giới đang cầu nguyện cho sức khỏe và sự hồi phục" của nhà văn.
Cảnh sát New York bước đầu xác định nghi phạm vụ tấn công là Hadi Matar, 24 tuổi, sống ở Fairview, New Jersey. Người này đâm ông Rushdie ở thân và cổ. Động cơ gây án chưa được làm rõ.
Trả lời Reuters, một lãnh đạo nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon do Iran hậu thuẫn nhấn mạnh tổ chức này "không nắm bất kỳ thông tin gì về vụ án" liên quan đến Salman Rushdie. Trước đó, cảnh sát New York nghi vấn hung thủ gốc Lebanon và có liên quan đến những nhóm Hồi giáo Shiite cực đoan.
Thanh Danh (Theo Reuters)