Con báo đực trưởng thành khoảng 7 - 8 năm tuổi mò vào căng tin một ngôi trường công ở làng Takali Dhokeshwar, quận Ahmednagar, bang Maharashtra hôm 7/7 qua đường cửa sổ, theo tổ chức phi chính phủ Wildlife SOS. Hiện nay, các trường học ở bang Maharashtra đang đóng cửa do Covid-19 nhưng lao công vẫn làm việc ở trường vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Trong khi đang dọn dẹp trong khuôn viên trường, lao công bị sốc khi phát hiện con báo ở căng tin. Họ nhanh chóng đóng cửa ra vào và cửa sổ căng tin từ bên ngoài. Đội lao công lập tức báo cáo sự việc với Cơ quan lâm nghiệp Maharashtra và Wildlife SOS, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giải cứu và tái thiết nơi ở cho động vật hoang dã ở Ấn Độ.
Các cán bộ từ cơ quan lâm nghiệp và nhóm nhân viên của Wildlife SOS mau chóng tới ngôi trường cùng với lưới an toàn, chuồng và trang phục bảo hộ để tiến hành giải cứu con mèo lớn. Đầu tiên, nhóm cứu hộ đảm bảo mọi lối ra vào đều bị phong tỏa trước khi cẩn thận đánh giá tình hình. Lúc này, con báo dường như rất kích động, nó nháo nhào chạy từ đầu này tới đầu kia căng tin để thoát thân.
Nhà chức trách sau đó khoan một lỗ trên cánh cửa bếp bằng thép của căng tin để đưa camera và đèn pin vào nhằm quan sát rõ con báo. Sau khi xác nhận vị trí của con mèo lớn, bác sĩ thú y Nikhil Bangar của Wildlife SOS khiến nó bất động bằng cách bắn mũi tên gây mê.
Theo Bangar, con báo hoa mai có nhiều vết cào và vết thương ở đầu, tai, cổ, ngực và vùng đuôi. Những vết thương này hé lộ nó đã trải qua cuộc chiến tranh giành lãnh thổ với một con báo đực khác và phải vội vàng tìm nơi ẩn náu bên trong trường học. Sau khi con báo nằm bất động, nhóm cứu hộ đặt nó vào chuồng và đưa tới Trung tâm cứu hộ báo hoa mai của Wildlife SOS ở thành phố Junnar, bang Maharashtra, nơi nó sẽ được chăm sóc y tế. Toàn bộ quá trình giải cứu kéo dài 4 giờ.
Các chuyên gia ước tính có khoảng 12.000 - 14.000 con báo hoa mai ở Ấn Độ. Chúng phải đối với với một số mối đe dọa bao gồm săn trộm, mất môi trường sống cũng như xung đột với con người. "Những loài mèo lớn, đặc biệt là con đực, thường phải cạnh tranh con mồi và lãnh thổ với nhau. Môi trường sống ngày ngày càng thu nhỏ và mất con mồi tự nhiên dẫn tới ngày càng nhiều cuộc chiến thường xuyên giữa các cá thể để giành lãnh thổ", Kartick Satyanarayan, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wildlife SOS.
An Khang (Theo Newsweek)