Theo đó từ 1/1, Bộ Y tế áp dụng danh mục thuốc tân dược được bảo hiểm y tế chi trả mới. Danh mục này gồm 845 hoạt chất, 1.064 thuốc tân dược. Trong đó có 111 thuốc bị ngừng cấp số đăng ký lưu hành hoặc số đăng ký lưu hành hết hiệu lực; bổ sung mới 37 thuốc.
Danh mục cũng có 25 thuốc quy định tỷ lệ thanh toán, là các thuốc có chi phí điều trị lớn, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư. Mục đích là để bác sĩ cân nhắc khi chỉ định, kê đơn; vừa đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, có sự chia sẻ và khả năng chi trả của quỹ.
Trong một cuộc họp báo mới đây, ông Phan Văn Toản, Phó vụ trưởng Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, danh mục thuốc tân dược này có bổ sung thêm 5 thuốc trước chưa được thanh toán thì nay được quỹ bảo hiểm chi trả với tỷ lệ 50%. Đặc biệt, có 9 thuốc đang được thanh toán 100% nay giảm xuống còn 50%. Số này gồm 4 thuốc điều trị ung thư (doxorubicin, erlotinib, gefitinib, sorafenib) và 5 thuốc điều trị bệnh khớp, viêm gan C, giải độc, điều trị thiếu hụt hoócmon tăng trưởng.
Giáo sư - tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Danh mục thuốc ung thư được bảo hiểm chi trả không hề thua kém so với các nước phát triển, đặc biệt nếu so với các nước trong khu vực có nhiều loại chúng ta cập nhật hơn. Danh mục này cũng hoàn toàn đủ điều trị cho tất cả các loại bệnh ung thư có tính đặc thù của người Việt Nam”.
Danh mục này có 65 thuốc điều trị ung thư, 9 thuốc điều hòa miễn dịch, 57 hoạt chất thuốc đánh dấu, phóng xạ; nhiều chủng loại để các bác sĩ có thể lựa chọn. Về 4 loại thuốc ung thư bị giảm tỷ lệ thanh toán, theo giáo sư Khoa, doxorubicin là hóa chất thông thường nhưng được bọc thêm nano để giảm tác dụng phụ, hiệu quả điều trị như các thuốc trong BHYT. Tuy nhiên giá thành của nó lại rất đắt đỏ, hơn 5 triệu đồng một lọ với liều điều trị 4 lọ mỗi ngày. Thời điểm trước chi trả 100% vì là thuốc mới tiếp cận, sau này ứng dụng vào thực tế phải có điều chỉnh.
Với 3 loại thuốc còn lại là erlotinib, gefitinib- điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ và sorafenib- điều trị ung thư gan là những những thuốc điều trị đích, không phải thuốc điều trị duy nhất. Cả 3 loại thuốc này được chỉ định cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã thất bại với các thuốc khác. Ngay cả các nước phát triển trên thế giới, rất ít bảo hiểm nhà nước chi trả cho các thuốc này, bác sĩ chỉ định cũng rất chặt chẽ bởi chi phí khổng lồ mà không mang lại hiệu quả điều trị như mong muốn.
“Nếu không sử dụng thuốc này vẫn có những cách điều trị khác phù hợp với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mà không ngốn hết nguồn chi phí khổng lồ. Thậm chí có những bệnh nhân khi dùng thuốc này rồi lại phải quay về phương pháp điều trị truyền thống bởi không mang lại hiệu quả”, giáo sư Khoa phân tích.
Bên cạnh đó, với thay đổi trên, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện trong giai đoạn chuyển tiếp, với những người vào viện trước khi thông tư này có hiệu lực thì vẫn áp dụng mức thanh toán hiện nay. Tương tự với 4 loại thuốc điều trị ung thư bị cắt giảm. Cụ thể, tại thời điểm danh mục trên có hiệu lực mà người bệnh vẫn đang nằm viện điều trị thì sẽ vẫn được quỹ bảo hiểm thanh toán với tỷ lệ 100% như cũ cho đến hết đợt điều trị. Ngoài ra, việc thanh toán theo tỷ lệ này không áp dụng với người có công với cách mạng và trẻ dưới 6 tuổi.
Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho những bệnh nhân này. Theo quy định, các địa phương có kết dư thì được phép để lại 20%, một phần được chuyển vào quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Bộ Y tế dự kiến vận động các công ty dược hỗ trợ một phần chi phí cho bệnh nhân thông qua viện trợ thuốc hoặc hỗ trợ một phần chi phí thuốc bảo hiểm y tế.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, luật cũ đã có quy định để lại 20% quỹ kết dư cho các địa phương sử dụng nhưng chưa thực hiện được vì quỹ dự phòng chưa đạt độ an toàn. Tuy nhiên luật mới thay đổi, cứ địa phương nào có kết dư thì được sử dụng. Nội dung sử dụng quy kết dư cho người nghèo đã có quy định rõ ràng.
Nam Phương