Trao đổi với báo chí chiều 26/10, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tuổi nghỉ hưu của người dân Việt Nam được quy định 60 với nam và 55 với nữ đã duy trì từ năm 1960, khi tuổi thọ trung bình khoảng 67. Nay tuổi thọ bình quân đã tăng lên 73 nên thời gian hưởng lương hưu kéo dài. Mỗi người trung bình có 19 năm hưởng lương hưu trong khi theo tính toán quỹ chỉ còn duy trì được cho 13 năm, như vậy mất cân đối 6 năm.
Ngoài ra, theo thống kê của Bảo hiểm Việt Nam, tuổi nghỉ hưu thực tế thấp hơn nhiều so với quy định, chỉ 40% số người nghỉ hưu đúng tuổi, số nghỉ trước tuổi chiếm quá nửa.
Theo ông Liệu, thời điểm này rất khó tăng mức tiền đóng bảo hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người lao động và doanh nghiệp. Do vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu theo tuổi thọ trung bình. Trước mắt, ngành này đề xuất thực hiện với một số nhóm đối tượng, ngành nghề, tuy nhiên, cũng phải tính đến bố trí việc làm cho lao động trẻ.
"Việc cân đối quỹ bảo hiểm là cho con cháu chúng ta hưởng, chúng ta cần xây dựng chính sách dài hơi trong 5-10 năm", ông Trần Đình Liệu nói.
Đề cập việc điều chỉnh cho lực lượng công an, vũ trang, ông Trần Đình Liệu cho biết, lực lượng vũ trang, công an là chuyên ngành, với số tuổi nghỉ hưu thấp thì sắp tới phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp, Bảo hiểm xã hội sẽ kiến nghị bù ngân sách vào phần thiếu hụt.
Đầu tháng 9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật lao động, dự kiến trình Chính phủ đầu năm 2017, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 58 và nam lên 62. Nội dung này từng được trình Quốc hội trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng không được thông qua.
Vì sao quỹ hưu trí mất cân đối?
Đoàn Loan