Theo Sở Y tế, tình hình dịch diễn biến đang rất phức tạp, đặc biệt nhiều người mắc Covid-19 đến khám và điều trị tại phòng khám, bệnh viện nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngày 1/6, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, khi có người bệnh nhập viện để điều trị trong ngày hoặc điều trị nội trú, phải lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho cả bệnh nhân và thân nhân để tầm soát nCoV.
Chi phí xét nghiệm tầm soát này sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán, đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 của Bộ Y tế. Ngân sách nhà nước sẽ chi trả đối với nhóm còn lại và phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Trước đó, tháng 7/2020, bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 trong trường hợp người bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly, cưỡng chế y tế; người nhiễm nCoV đang điều trị tại cơ sở y tế; các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm Covid-19.
Mức thanh toán là 734.000 đồng mỗi mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; 238.000 đồng mỗi mẫu xét nghiệm nhanh (xét nghiệm tìm kháng thể).
Hồi tháng 4/2020, ngân sách nhà nước chi trả phí khám chữa bệnh do Covid-19 gồm tiền khám, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền, chi phí cách ly... Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi người bệnh được hưởng.
Hiện nay, một số phòng khám, bệnh viện tại TP HCM phải tạm ngưng tiếp nhận người bệnh khám ngoại trú, để rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch bệnh, do có ca dương tính đến khám bệnh. Những cơ sở này phải phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) xét nghiệm tầm soát, cách ly, theo dõi sức khỏe cho tất cả nhân viên, bệnh nhân đang nằm điều trị.
Do đó, ngoài tăng cường xét nghiệm tầm soát, Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện, phòng khám bố trí thêm cổng riêng hoặc lối đi riêng, có bảng thông báo rõ ràng cho những người bệnh chủ động đến khám tầm soát nguy cơ mắc Covid-19 (do họ tự xác định được có yếu tố nguy cơ về triệu chứng, dịch tễ). Cổng và lối đi riêng sẽ giúp người bệnh di chuyển tới buồng khám sàng lọc thuận tiện, nhanh chóng, nhằm hạn chế việc di chuyển nhiều nơi trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Trong trường hợp phát hiện có ca dương tính nCoV, bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, hoặc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Với người bệnh nặng hoặc kèm theo bệnh lý phức tạp, được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Bệnh nhi Covid-19 chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
TP HCM ghi nhận 5 chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4. Trong đó, có bốn chuỗi lây nhiễm được phát hiện ở bệnh viện, từ các ca chỉ điểm, khi người bệnh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác... đến khám bệnh. 4 chuỗi này gồm, chuỗi hai ca ở công ty kiểm toán quận 3; chuỗi quán bánh canh O Thanh, quận 3; chuỗi hai vợ chồng ở quận Tân Phú đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ và chuỗi Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
Chuỗi ca nhiễm ở hội thánh được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá là nguy hiểm và khó kiểm soát nhất trong tất cả các ổ dịch tại TP HCM. Đến tối 1/6, có 219 bệnh nhân Covid-19 ở chuỗi này được Bộ Y tế công bố.
Thư Anh