Công ty xếp hạng tín dụng Moody’s, trụ sở tại Mỹ, hôm 15/8 cho biết sẽ mất "vài tuần đến vài tháng" để đánh giá xác định toàn bộ thiệt hại được bảo hiểm chi trả do vụ cháy rừng tại thị trấn Lahaina trên đảo Maui thuộc quần đảo Hawaii gây ra.
Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ của công ty cho thấy thiệt hại được bảo hiểm chi trả sẽ lên tới ít nhất một tỷ USD, được tính toán dựa trên giá nhà trung bình ở thị trấn Lahaina khoảng 1,5 triệu USD/căn. Đơn vị bảo hiểm bị ảnh hưởng lớn nhất là P&C, chuyên cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhà ở và doanh nghiệp tại Lahaina.
![Khung cảnh tan hoàng sau vụ cháy rừng ở Lahaina, đảo Maui, Hawaii, Mỹ, hôm 11/8. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/16/a-1964-1692170304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P_2av80_wz0990Jtdm5mMg)
Khung cảnh tan hoang sau vụ cháy rừng ở Lahaina, đảo Maui, Hawaii, Mỹ, hôm 11/8. Ảnh: Reuters
Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương và Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) ước tính khoảng 2.719 công trình kiến trúc bị hư hại hoặc phá hủy trong trận cháy rừng ở Lahaina. Trong khi đó, công ty Karen Clark & Company ước tính khoảng 3.500 ngôi nhà, trụ sở doanh nghiệp bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau trong vụ cháy.
Theo Moody's, nguyên nhân gây vụ thảm họa cháy rừng ở Lahaina chưa được làm rõ, nhưng đám cháy lan rộng hơn do điều kiện khô hạn và gió lớn từ cơn bão Dora. Các căn nhà san sát được xây bằng những vật liệu dễ cháy như gỗ cũng góp phần làm đám cháy lan nhanh.
Moody's đánh giá các công ty bảo hiểm lớn như P&C có nền tảng tài chính mạnh và các chính sách tái bảo hiểm tốt, nên có thể đảm bảo được các khoản bồi thường từ vụ cháy.
Theo số liệu của Viện Thông tin Bảo hiểm, số tiền bồi thường bảo hiểm lớn nhất do thiên tai ở Hawaii là 1,6 tỷ USD, được chi sau cơn bão Iniki năm 1992. Số tiền này trị giá tương đương 3,5 tỷ USD theo thời giá năm 2023.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/Insurance Business)