Hai năm trước, Quyên sinh con. Khi vào viện, chị trình thẻ bảo hiểm y tế để được giảm ít tiền nhưng thẻ bị từ chối chi trả do công ty chị còn nợ bảo hiểm. Cũng vì lý do này, chị không có trợ cấp thai sản. Con trai được 6 tháng, chị quyết định nghỉ việc, đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Quyên tiếp tục bị từ chối.
Theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng 5 quyền lợi gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, tất cả quyền lợi này đều bị gác lại, bất chấp trước đó người lao động vẫn đều đặn bị trích lương với lý do để đóng quỹ.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022, có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động. Số đang bị nợ bảo hiểm xã hội chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghĩa là, Quyên không phải trường hợp cá biệt bị "treo" quyền lợi an sinh.
Một năm qua, Quyên làm thời vụ tại nhiều công ty để không phải tham gia bảo hiểm. Chị nói, bảo hiểm xã hội là nơi "chỉ thấy đóng vào".
Cảm nhận cực đoan "chỉ thấy đóng vào" xuất hiện không chỉ ở những lao động bị nợ bảo hiểm như Quyên. Tại các cuộc góp ý dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội được tổ chức ở TP HCM, đại diện các nhà máy than phiền: nhiều lao động tìm mọi cách để được làm thời vụ, nhận luôn phần đóng bảo hiểm vào lương. Người đã có quá trình đóng dài thì muốn lấy lại tiền lương trích đóng nên nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần.
Rút bảo hiểm là rút chân ra khỏi hệ thống an sinh, không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào. Tuy nhiên, những lao động như Quyên đã từng được hưởng chế độ nào đâu để cảm thấy tiếc nuối. Thứ họ thấy trước mắt chỉ là tiền lương đều đặn bị trích đóng hàng tháng. Họ không đủ kiên nhẫn để chờ đến lương hưu hay nghĩ đến tuổi già, bệnh tật không có trợ cấp.
Đích cuối cùng của bảo hiểm xã hội là đảm bảo lương hưu cho lao động khi về già, giúp họ không rơi vào đói nghèo. Tuy nhiên, không thể chỉ dùng "nghĩa vụ" để buộc người lao động tham gia mà phải cung cấp các lợi ích tương xứng trong suốt hành trình đóng bảo hiểm để giữ họ ở lại. Tuy nhiên với các quy định hiện hành, người lao động rất dễ mất quyền lợi, bất chấp lỗi không phải do họ.
Trong khi đó, nguồn quỹ kết dư vẫn lớn. Theo báo cáo tình hình quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm Xã hội năm 2020, tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp ước đạt trên 935.100 tỷ đồng. Trong đó ba quỹ thành phần kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỷ đồng.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với số kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nếu dừng đóng trong 7 năm tới, số tiền vẫn đủ chi trả chế độ cho lao động.
Thay vì đặt ra rào cản với khách hàng - những người đóng bảo hiểm, chính sách cần được thiết kế khéo léo để tạo thu nhập thay thế cho người lao động khi gặp bất trắc, cho họ một lý do để ở lại trong hệ thống.
Ví dụ, ILO đề xuất, thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 10 năm; và người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội có con 0-6 tuổi sẽ được nhận trợ cấp nuôi con hàng tháng. Nếu mỗi lao động có hai con nhỏ, cách nhau 4 tuổi thì thời gian hưởng trợ cấp này cũng sẽ kéo dài khoảng 10 năm.
Một chính sách kép như vậy sẽ gia tăng giá trị phúc lợi của bảo hiểm xã hội: trẻ em được hưởng trợ cấp, người trong độ tuổi lao động được nhận các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản... và hưu trí có lương.
Nguyên lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP HCM từng kể với tôi, khi sang Hàn Quốc để học tập chính sách an sinh, ông đến một bệnh viện và gặp nhiều lao động bị tai nạn trong lúc làm việc. Dù doanh nghiệp nợ bảo hiểm, quỹ vẫn đứng ra lo tất cả chi phí điều trị. Ông nói rằng với những tình huống tương tự ở Việt Nam, cán bộ bảo hiểm cũng muốn chi trả cho người lao động nhưng quy định không cho phép.
Quỹ hưu trí, tử tuất kết dư lớn, tức nguồn tiền đảm bảo được cho lao động khi về già. Còn các quỹ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp... kết dư lớn, tức các quyền lợi có thể đã không đến kịp thời với người lao động lúc rủi ro.
Ngoài việc tìm giải pháp hạn chế rút một lần, chính sách hiện hành cần được điều chỉnh để xoá bỏ hình dung "bảo hiểm xã hội chỉ là nơi đóng vào" trong suy nghĩ của những người như Quyên. Nếu không tìm thấy lý do để ở lại, người lao động sẽ tiếp tục rời đi.
Lê Tuyết