Tôi năm nay 32 tuổi, là một bà mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ 5 tuổi, cháu đang mang trong mình một chứng bệnh tự kỷ. Đã từ lâu tôi rất yêu thích chuyên mục Tâm sự của báo VnExpress vì ở đấy cho tôi học hỏi kinh nghiệm, những bài học, những lời tâm sự đau thương của các quý anh chị, để giúp cho tôi có thêm nghị lực trong cuộc sống.
Bài viết "Hàng xóm nhiều lần góp ý vì mẹ hay đánh tôi” của chị Linh, đã khơi dậy những vết thương, nỗi đau in hằn trong tôi bấy lâu, nên hôm nay tôi viết những dòng tâm sự này chia sẻ đến bạn đọc, đến chị Linh nhằm vơi bớt nỗi buồn. Chị Linh à, khi đọc những dòng tâm sự của chị tôi đã không kiềm chế được nước mắt của mình, bởi tôi từng nằm trong hoàn cảnh có gia đình không mấy hạnh phúc nên thấu hiểu được những nỗi đau mà chị phải trải qua.
Tôi thấy khâm phục vì trong hoàn cảnh đó mà chị vẫn còn có nghị lực, không chịu bỏ cuộc, có ý chí vươn lên. Tôi thì không được như chị, tôi là con thứ 5 trong gia đình có 6 chị em. Hai chị đầu là con riêng của ba, nếu như tôi cũng là con riêng của ba thì không nói làm gì, vì chuyện mẹ kế con chồng xảy ra những chuyện tiêu cực trong gia đình là lẽ thường tình.
Tôi nói điều này cũng không dám ám chỉ hết tất cả những người phụ nữ đang trong vai trò mẹ kế đều xấu. Nếu như tôi cũng nằm trong hoàn cảnh như hai chị gái thì có lẽ sẽ không buồn gì mấy, không oán hận mẹ nhiều. Nhưng đằng này tôi là con ruột của mẹ, nhưng bị mẹ đối xử thậm tệ. Những trận đòn mẹ đánh tôi thật dã man, bất cứ lý do nào dù chẳng đáng phải dùng đến roi vọt nhưng mẹ vẫn đánh.
Có lẽ trong mẹ luôn tâm đắc với câu nói "thương cho roi cho vọt” nhưng câu nói đó mẹ chỉ dành riêng cho tôi, các anh và em gái tôi thì mẹ không đối xử như vậy. Nhiều lúc nhìn cách mẹ thể hiện tình cảm, ôm ấp nựng nịu họ mà trong lòng tôi cảm thấy buồn và tủi thân vô cùng. Nhìn những bạn cùng trang lứa với mình được cha mẹ yêu thương mà tôi ước gì tôi có được người mẹ như họ.
Ba tôi cũng giống như ba của chị Linh, trong gia đình ba là người làm ra tiền, lo kinh tế cho cả nhà. Ba là tài xế lái xe đường dài, nhưng mỗi khi về nhà là tổ chức nhậu nhẹt, mọi chuyện ở nhà, con cái ba ít quan tâm. Mỗi lần say ba lại lè nhè kiếm chuyện, mẹ vốn là một người nóng nảy, luôn bảo thủ, ít chịu nhún nhường, vậy nên chị em chúng tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau, đánh đập.
Tuổi thơ của tôi luôn sống trong nỗi cô đơn, buồn tủi, thấp thỏm lo sợ. Những lúc mẹ buồn đáng lẽ phận làm con, tôi phải gần gũi, an ủi mẹ, tôi rất muốn làm điều đó lắm, tôi muốn gần mẹ nhiều, nhưng đằng này những lúc như vậy tôi lại phải càng tránh xa mẹ. Có lần mẹ bị ba đánh, tôi lại gần muốn an ủi nhưng chẳng biết phải thể hiện thế nào. Tôi muốn mẹ cảm nhận được sự quan tâm của tôi.
Tôi hỏi mẹ có đau không, nhưng mẹ lại quát nạt tôi một trận. Tôi rất buồn và thất vọng, kể từ đó không dám gần mẹ nữa, và cái khoảng cách tình mẫu tử giữa mẹ và tôi ngày một xa hơn. Những tháng ngày sống trong gia đình, tôi như sống theo cảm xúc của mẹ. Mẹ buồn thì tôi lo sợ, mẹ vui thì tôi yên tâm. Những trận đòn của mẹ cứ ám ảnh trong tâm trí tôi, mỗi lần đánh thì trước tiên là mẹ dùng tay tát mạnh vào mặt tôi tới tấp. Những chiếc nhẫn kiểu trên ngón tay mẹ đã không ít lần làm xước mặt tôi, làm tôi chảy máu miệng.
Tôi cúi mặt để tránh những cái tát của mẹ, vì tôi đau, tôi xây xẩm mặt mày. Mẹ lại túm tóc tôi giật lên để nhắm vào mặt đánh tiếp cho đã. Mẹ cứ phải nhắm vào mặt tôi để đánh cho bằng được, khi mẹ cảm thấy đau tay thì xung quanh đó, mẹ vơ được thứ gì là quất vào tôi thứ đó. Có những trận mẹ đánh bằng roi, nhưng lại đánh như kiểu tra tấn thời chiến. Mẹ lấy dây trói hai tay tôi ra phía sau, trói chân tôi lại để cho tôi khỏi phải chống đỡ, để mẹ đánh cho đã, cho thỏa thích.
Cứ mỗi lần sau trận đánh tôi tìm một góc khuất ngồi nhìn lại cơ thể bầm tím rướm máu của mình rồi khóc một mình, tôi đau lắm, đau cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi không hiểu sao mẹ lại đối xử miệt thị với tôi như vậy, tôi đâu dám làm gì quá đáng với mẹ. Hàng xóm, bà con đều khen tôi là người giỏi giang bởi trong nhà tôi làm đủ thứ việc giúp mẹ.
Tôi chưa bao giờ dám hỗn láo, 6 tuổi đi học về 11h trưa, như những đứa trẻ khác thì giờ đó đi học về đói bụng đã có cơm ăn, nhưng tôi thì giờ đó đi về phải vào bếp nhóm lửa nấu cơm. Tôi làm đủ thứ việc trong nhà nhưng chưa bao giờ mẹ có tiếng khen để động viên tôi, cộng vào đó là vừa làm vừa bị mẹ chửi, mẹ đánh chẳng khác gì lao động khổ sai.
Ở nhà tôi sống trong sự lạc lõng, cứ ngồi ở đâu mà thấy mẹ xuất hiện là tôi thấy sợ hãi, mọi lời nói, việc làm tôi phải khép nép. Hai anh và em gái của tôi mẹ nói gì cũng có thể nói lại được, muốn xin gì cũng được, rảnh muốn đi đâu thì đi, mẹ tôi thoải mái. Nhưng ngược lại với tôi thì không, mẹ nói rảnh thì kiếm việc mà làm. Tôi không dám xin những gì mình muốn ngoại trừ tiền học, không dám nói lại, mẹ cho gì ăn đó, cho gì mặc đó.
Cho đến một ngày tôi quyết định bỏ nhà ra đi, cũng phải đấu tranh với bản thân lắm mới dám ra đi như vậy vì tôi cũng sợ nếu mẹ biết được chắc tôi sẽ bị đánh tơi tả. Nhưng tôi vẫn ra đi vì không còn con đường và sự lựa chọn nào khác tốt hơn. Nếu cứ ở nhà và chịu những đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần thì chắc chắn một ngày tôi sẽ ngã bệnh mất.
Tôi ra đi một ngày mưa gió, trong tay chỉ có 200 ngàn đồng, tôi tìm đến nhà trọ một người bạn ở Đà Nẵng xin ở nhờ một thời gian cho ổn định tinh thần, vì tinh thần tôi lúc đó rất hoảng loạn. Hàng ngày tôi luôn phập phồng lo sợ bị mẹ tìm kiếm và bắt được. Tôi luôn bị ám ảnh bởi những trận đánh. Hàng đêm trong giấc ngủ tôi hay gặp cơn ác mộng không ai khác mà duy nhất chỉ là mẹ. Tôi thấy mẹ đánh, cầm dao rượt đuổi tôi, thường xuyên như vậy.
Giật mình thức giấc, nhìn xung quanh căn phòng trọ mới biết mình nằm mơ, không phải sự thật, tôi mừng thầm. Cuộc sống xa nhà với tôi cực khổ, thiếu thốn đủ thứ, nhưng sao tôi vẫn thấy bằng lòng hơn là ở nhà. Với kiến thức chỉ ở mức độ trung cấp nên tôi khó mà xin việc tại Đà Nẵng, một thời gian sau tôi quyết định vào Sài Gòn xin việc làm theo sự giúp đỡ của một người quen biết.
Rồi mọi chuyện lại ập đến với tôi lần nữa. Lần đầu tiên bước vào đời và cũng lần đầu tôi đến Sài Gòn, giữa cuộc sống phồn hoa tấp nập. Cuộc sống thiếu thốn tình cảm, vòng tay che chở yêu thương từ nhỏ, cộng với suy nghĩ không đủ chín chắn, kinh nghiệm đã xô đẩy tôi trở thành kẻ thứ ba với một người đàn ông đã có gia đình, làm chung công việc với tôi. Điều mà trước đây nó nằm ngoài sự mong ước của cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến sẽ yêu thương một người đã có gia đình.
Nhưng thời gian đó tôi sống một thân một mình, ngoài anh ra tôi chẳng có ai, trong công việc tôi học hỏi và được anh bày vẽ rất nhiều, anh rất giỏi. Những lúc tôi bệnh, tôi bị tai nạn chấn thương vùng đầu nằm một mình, anh là người ân cần chăm sóc tôi rất chu đáo. Dần dần với sự ngưỡng mộ trong công việc, cộng với tình cảm anh dành cho tôi, chăm sóc tôi, do thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, anh thì một người đàn ông đã quá dày dạn kinh nghiệm, khiến tôi không thể cưỡng lại được, nên tôi đã yêu anh lúc nào chẳng hay.
Và kết cục cho một cuộc tình ngang trái đó là tôi có con với anh. Tôi lại thêm khủng hoảng, đau khổ, lo sợ vô cùng. Khi đứa bé dần dần lớn trong tôi cũng là thời gian tôi tỉnh ngộ và nhìn nhận ra những hành động lầm lỗi, sai trái của mình. Anh không phải là người dành cho tôi, tôi vạch ra một con đường cho mình và sắp tới tôi sẽ đi theo con đường đó.
Tôi nói với anh sẽ chấp nhận tất cả do những gì mình gây ra, tôi sinh con một mình mà không có anh, gia đình tôi. Khi con tôi chào đời chỉ có duy nhất người giúp việc bên cạnh, khi con tôi gần hai tháng tuổi tôi mới báo cho gia đình biết. Ba mẹ tôi đã vào thăm và có lẽ ba mẹ cũng cảm nhận được rằng vì sao cuộc đời tôi lại có kết cục như hôm nay, nên họ chẳng nói gì nhiều.
Sau đó mẹ con tôi quyết định rời khỏi Sài Gòn, rời xa anh, nếu cứ gần anh tôi sẽ càng đau khổ hơn. Tôi muốn có tinh thần lo và bù đắp cho con, tôi không muốn gia đình anh sẽ đau khổ vì tôi cũng là phụ nữ, là mẹ. Mình đau khổ bao nhiêu thì người ta cũng như vậy, đã là cuộc sống thì cho dù là ai cũng không tránh sự vấp ngã, sa cơ lỡ bước, nhưng phải biết dừng lại. Tôi không muốn bên anh để rồi cứ phạm mãi sai lầm.
Từ khi xa anh và một mình chăm lo cho con đến nay con tôi đã được 5 tuổi. Tưởng chừng mọi chuyện đau buồn của tôi đã qua, tôi sống an phận chăm lo cho con và lấy đó làm niềm vui cho qua đi những tháng ngày đau khổ thì lại thêm chuyện khác ập đến. Lúc con 18 tháng tuổi, thấy sự khác thường của con, cách con chơi, giao tiếp không giống như những đứa trẻ khác, tôi nghi ngờ và đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán cháu bị tự kỷ.
Lúc đó tinh thần tôi gần như suy sụp, nó chẳng khác nào bản án tử hình dành cho tôi. Hàng đêm nằm nhìn con mà khóc một mình, tôi bị trầm cảm, mất ngủ triền miên, nghĩ lại nếu tôi gục ngã thì xem như kéo theo cả con trong đó, căn bệnh và cả tương lai của cháu chỉ đều phụ thuộc vào tôi. Sau thời gian vật vã trong suy nghĩ, đau khổ, nhưng bằng tình yêu thương dành cho con, tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ mới có thể cứu tương lai của con được.
Tôi bắt đầu tìm hiểu kiến thức về căn bệnh tự kỷ, tôi gặp chuyên gia tâm lý để trao đổi, tham gia những hội thảo dành cho trẻ tự kỷ để có thêm kinh nghiệm dạy con, đối phó với căn bệnh tự kỷ. Thời gian đó mọi gánh nặng như đè lên vai tôi, tôi vừa làm mẹ, làm cha, làm ông bà, làm bạn của con. Giờ lại phải đối diện với căn bệnh tự kỷ của con nữa, dạy con, chữa cho con, thật sự nó quá lớn với tôi.
Thời gian dần trôi đi, sau những nỗ lực, cố gắng, giờ con tôi đã tiến bộ rất nhiều nhưng bệnh tự kỷ không thể cho chúng ta biết khi nào là thôi ngừng can thiệp, mà vẫn can thiệp thời gian dài dài. Nhưng nhìn sự tiến bộ của con thì đó cũng là nguồn an ủi, động viên, giúp cho tôi thêm nghị lực để cùng con hướng tới những con đường còn lắm gian nan phía trước. Chính vì cuộc sống như vậy nên nó khiến cho tôi mệt mỏi, tôi không có nhiều bạn bè, sống khép mình, ít tiếp xúc.
Tôi mặc cảm về thân phận mình, không dám mở rộng lòng để đi thêm bước nữa mặc cho mọi người hối thúc. Tôi sợ mình sẽ lại thất bại vì không gặp được người tốt, chấp nhận quá khứ của tôi, căn bệnh của con tôi. Biết rằng xã hội có người tốt người xấu, nhưng hoàn cành tôi từ gia đình, hạnh phúc, con cái tôi đã không may mắn, là một chuỗi dài của sự đau thương nên trong tôi luôn sợ phải chịu đựng thêm nữa.
Hàng đêm khi con đã ngủ, cũng là lúc tôi lại trở lại với chính mình, sự cô đơn, buồn tủi cứ choán hết tâm trí tôi. Giá như mẹ thương yêu, quan tâm tôi như hai anh và em gái thì tôi sẽ chẳng phải bỏ nhà ra đi vì có nơi nào bằng gia đình mình. Con tôi cũng sẽ không phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm. Những gì tôi tâm sự trên đây là để trải lòng mình cho vơi đi nỗi buồn phiền.
Tôi mong rằng nhưng ai có hoàn cảnh như tôi thì hãy cố gắng mạnh mẽ để vượt qua con đường còn lắm gian truân phía trước. Cuộc sống không có ai là hoàn hảo. Tôi tin ông trời sẽ không lấy đi tất cả và cũng không cho ai tất cả, rồi một ngày nào đó có thể chúng ta sẽ được bù đắp. Xin gửi đến các bạn những câu thơ sau và tôi luôn ghi nhớ những câu thơ này vì nó là nguồn động lực giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống:
Mỗi lần vấp là mỗi lần bớt dại
Tuy hơi đau mà ngại gì nhau
Vì đường đời còn lắm chênh vênh
Ai mạnh bước mà không hề phải vấp
Mỗi lần vấp là mỗi lần bớt dại
Hiểu đời thêm và cũng hiểu mình thêm
Giá như được một cuộc sống êm đềm
Đời phẳng lặng lấy gì mà phải vấp
Thuốc tuy đắng nhưng mà giã tật
Vấp tuy đau nhưng hiểu thật đường đời
Ta còn sống còn tranh đấu mãi không thôi
Còn tranh đấu tất nhiên còn phải vấp.
Mong rằng những ai đang hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc và yên bình thì hãy biết trân trọng và gìn giữ những gì mình đang có. Cầu mong mọi điều may mắn và bình an đến tất cả mọi người. Xin cảm ơn tòa soạn và quý độc giả.
Thanh