14h30 chiều 8/11, siêu bão Haiyan đi vào miền Trung Philippines, sức gió 184-201 km/h (cấp 16), giật trên cấp 17. Tối cùng ngày, theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, siêu bão đi vào biển Đông. Dự báo, 13h ngày 9/11, siêu bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 210 km, sức gió cấp 16.
"Bão tiếp cận đất liền sớm nhất là ở Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế, dự kiến lúc 4-10h sáng 10/11. Sau đó bão có khả năng đi dọc các tỉnh Quảng Trị - Nghệ An từ 7-13h ngày 10/11", ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát biểu tại phiên họp ở Văn phòng Chính phủ chiều 8/11. Theo ông Tăng, nếu đổ bộ thì đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay vào biển Đông và đất liền Việt Nam.
Do phạm vi ảnh hưởng lớn nên các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, các đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư... có gió mạnh cấp 12-15. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên... có gió cấp 8-12.
Các đài khí tượng của Hong Kong, Nhật Bản, Hải quân Mỹ cũng đưa ra dự báo tương tự về hướng đi của bão Haiyan.
Ngày 7/11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các Bộ, ngành, Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau để chỉ đạo công tác đối phó với bão. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ. Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Định tùy tình hình thực tế chủ động thực hiện cấm biển, cấm tàu thuyền hoạt động trên sông trong ngày 10/11.
Phạm Hương