Cứ mỗi lần đi nghe câu hát ấy, bao kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về trong tôi, rõ ràng, nguyên vẹn như chỉ vừa mới hôm qua.
Mẹ sinh tôi vào một ngày hè tháng 7 bỏng cháy. Hơn 20 năm sống trong căn gác nhỏ có ban công nhìn ra Hồ Tây, trên con phố Phó Đức Chính yên tĩnh chạy dài ven bờ đê sông Hồng.
Tôi đã quen với cái lạnh đến tê người của những đợt gió sông Hồng thổi và màn sương giá buốt trên mặt hồ Tây khi mùa đông về, với những buổi trưa hè lộng gió và tràn ngập tiếng ve.
Qua khung cửa sổ, tôi mê mẩn ngắm bình minh trên Hồ Tây, khi màn sương sớm tan dần để lộ mặt hồ trong xanh, phẳng lặng, lấp lánh ánh nắng, ngắm những đoàn người chầm chậm di chuyển trên đường Thanh Niên.
Tuổi thơ tôi gắn liền với con đường Thanh Niên cùng bao kỷ niệm của thời cắp sách tới trường. Bảy năm học cấp 2 và 3 tại trường Chu Văn An, ngày nào tôi cũng đạp xe đi trên con đường quen thuộc ấy.
Đường Thanh Niên không ngát mùi hoa sữa vào mùa thu nhưng lại rất rực rỡ bởi hoa bằng lăng và những hàng phượng rộn rã tiếng ve kêu vào mùa hè. Cuối giờ đi học về qua đây, chúng tôi thường rủ nhau ngồi túm tụm trên những chiếc ghế đá quanh hồ, vừa thưởng thức những trái táo xanh hay những túi bỏng ngô thơm phức vừa ríu rít chuyện trò, cười đùa với nhau.
Những câu chuyện và tiếng cười ấy đã cùng chúng tôi lớn lên và trưởng thành dần trong suốt 7 năm cắp sách tới trường. Bây giờ, mỗi người trong nhóm đều đã sống ở một phương trời khác nhau, người ra nước ngoài sinh sống cùng gia đình, kẻ ở lại cũng chuyển nơi ở và làm việc tới chỗ khác, không còn có dịp đi qua con đường đó nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm trên con đường quen thuộc xưa, chúng tôi đều không khỏi bồi hồi xúc động.
Còn nhớ vào kỳ nghỉ hè, những buổi sáng đi tập thể dục trên đường Thanh Niên chính là khoảng thời gian vui thích của tôi. Vừa rèn luyện sức khỏe, tôi vừa có cơ hội giao lưu với các bạn trẻ và các cụ già sống ở các phố xung quanh khi tham gia câu lạc bộ cầu lông.
Câu lạc bộ hoạt động đơn giản lắm, chỉ cần 1-2 người mang theo vợt và cầu ra một địa điểm cố định đã được kẻ vạch sẵn trên vỉa hè mà chúng tôi gọi là sân tập và chia cặp đánh. Thỉnh thoảng lại có vài bạn trẻ hoặc các cụ già đi ngang qua muốn đánh thử và cùng tham gia. Câu lạc bộ vì thế ngày càng đông vui hơn.
Nhưng với tôi, vui nhất có lẽ là những ngày thời tiết thay đổi, tôm, cua, cá nổi hết lên mặt hồ. Mọi người ở phố tôi thường gọi là “úi” và thi nhau vác rổ, giá, vợt…ra vớt tôm cá.
Vào những ngày đó, tôi không tham gia câu lạc bộ cầu lông mà vắt chân lên cổ chạy thật nhanh về nhà thông báo cho bố mẹ mang “đồ nghề” ra hồ cùng vớt tôm cá.
Có những hôm bố mẹ bận, tôi và anh trai tự “đánh bắt thủ công” bằng cách dùng đá chặn túi nilon đặt ngược dòng nước để những con tôm cá nhỏ ven bờ bơi vào và vớt lên.
Chúng tôi hỉ hả mang chiến lợi phẩm về nhà khoe với bố mẹ mà không nhận ra rằng bố mẹ tôi sau đó đã phải rất vất vả chế biến những con tôm cá nhỏ đó mới thành món ăn cho chúng tôi.
Cuộc sống dù vất vả, bộn bề đến mấy nhưng những hình ảnh về góc phố ấy, con đường ấy, cùng biết bao kỷ niệm tươi đẹp sẽ vẫn mãi in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Giờ đây, tôi cũng đã thấm thía hơn khi đọc câu thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Vũ Thu Phương
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’ Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExpress và iOne.net tổ chức. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |