Hậu Giang là tỉnh có vùng mía nguyên liệu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với trên 14.000 ha. Tuy nhiên, có đến 2/3 diện tích trồng mía được trồng ở vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ hàng năm, chủ yếu tập trung ở huyện Phụng Hiệp. Theo ngành nông nghiệp địa phương, sớm nhất cũng phải đến năm 2015 mới có thể hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống đê bao cho vùng mía.
Câu chuyện “ép mía chạy lũ” đang là đề tài nóng trước niên vụ mía đường 2012-2013 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi ngành nông nghiệp địa phương muốn các nhà máy đường vào vụ sớm từ trung tuần tháng 8 để tránh tình trạng quá tải khi lũ về thì Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại muốn trễ hơn (đầu tháng 9) để tránh tình trạng ép mía non, gây thiệt hại cho cả nông dân lẫn nhà máy.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu bức bách, ngày 15/8 thì nhà máy đường Long Mỹ Phát đã chính thức khởi động vào vụ ép. 2 nhà máy còn lại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là Phụng Hiệp và Vị Thanh (Công ty CASUCO) sẽ lần lượt vào vụ cách nhau 5 ngày. Như vậy, niên vụ mía đường năm nay được khởi động sớm hơn 1 tháng so với niên vụ trước.
Để tránh tình trạng năm nào cũng phải vào vụ sớm nhằm ép mía chạy lũ, tỉnh Hậu Giang đã quyết định đầu tư 153 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao chống lũ khép kín bảo vệ hơn 5.000 ha mía bị ngập sâu ở Phụng Hiệp. Tuy nhiên năm nay mới chỉ thực hiện được 2.000 ha. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2013.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phải thu hoạch mía sớm để tránh lũ là chuyện không mong muốn đối với nông dân. Vì khi chặt mía non thì năng suất và chữ đường đều thấp, trong khi giá cả cây mía cao hay thấp lệ thuộc rất lớn vào chữ đường.
Ông Trương Văn Được ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp cho biết: “Hầu hết diện tích đất canh tác ở đây đều là vùng trũng nên thường xuyên bị ngập, cứ nước lên là người dân bắt buộc phải bán mía, dù có đủ chữ đường hay chưa để tránh bị thiệt hại. Trận lũ lịch sử năm 2011, nước lên quá nhanh, liếp mía bị ngập sâu đến gần nửa mét nước, nhiều hộ thu hoạch không kịp làm năng suất mía giảm hơn 15%. Từ lâu người dân chúng tôi đã mong ước có được tuyến đê bao bảo vệ cây mía”.
Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ 200” (năng suất mía đạt 200 tấn/ha trở lên) xã Hiệp Hưng phấn khởi nói: “Năm nay xã được đầu tư hệ thống đê bao bảo vệ vùng mía nên nông dân ai cũng mừng. Mặc dù hiện nay đã vào vụ, mía cũng đạt khoảng 8 tháng tuổi nhưng các thành viên câu lạc bộ thống nhất sẽ để thêm khoảng 2 tháng nữa mới thu hoạch, chờ cho năng suất và chữ đường tăng thêm, lợi nhuận sẽ cao hơn”.
Theo ông Hiền, nhiều nông dân địa phương đang sản xuất theo mô hình mía-lúa (lấp lại vụ lúa trên liếp mía vào mùa lũ). Tuy nhiên, nếu muốn làm như vậy thì gia đình phải có nhân công mới có lời, chứ cái gì cũng mướn hết thì không ăn thua. Thà rằng chấp nhận bỏ vụ lúa, “neo” mía thêm khoảng 2 tháng nữa thì người trồng cũng có lợi không thua kém gì làm thêm vụ lúa.
Tương tự, ông Trần Thanh Sơn, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp vui mừng nói: “Năm nay có được hệ thống đê bao kiên cố rồi người dân chúng tôi không còn lo cảnh nước lũ đe dọa đến cây mía nữa nên không cần phải bán mía non như những năm vừa qua. Do bị lũ nên nông dân ở đây năm nào cũng tốn tiền mua giống mía trồng lại chứ không thể lưu gốc như những vùng khác. Hy vọng khi có đê bao chúng tôi sẽ đi học hỏi kỹ thuật trồng mía lưu gốc nhằm giảm chi phí đầu tư”.
Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phụng Hiệp cho biết, vụ mía năm nay toàn huyện xuống giống được 9.037 ha, hiện các giống mía chín sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Lo ngại lớn nhất hiện nay là nhiều vùng mía chưa có đê bao, nước lũ về sớm thu hoạch không kịp sẽ gây thiệt hại nặng. Năm nay tỉnh đã đầu tư vốn để thực hiện nâng cấp đê bao cho những vùng có nguy cơ bị lũ uy hiếp cao của huyện gồm xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa An, thị trấn Búng Tàu và Cây Dương, với tổng diện tích 5.000 ha.
Tuy nhiên, do thời gian quá gấp rút nên năm nay chỉ đầu tư được 2.014 ha cho hai xã đầu nguồn, nước lũ đổ về sớm là Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng. Những vùng khác phải qua năm 2013 mới hoàn thành. Do đó, vụ mía năm nay vẫn phải ưu tiên ép cho những nơi chưa có đê bao. Còn để khép kíp toàn bộ vùng mía nguyên liệu của huyện thì tùy thuộc vào nguồn kinh phí ở trên cấp cho huyện và sớm nhất cũng phải hết năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Gíám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, lý do nhà máy vào vụ sớm là để ép mía trồng trên đê lấy mặt bằng thi công cho kịp trước khi lũ về, đồng thời rải vụ nhằm tránh thu hoạch quá dồn dập dễ làm mía rớt giá. Còn về giá thu mua, tối thiểu giá mía tại rẫy cũng phải ở mức 1.000 đồng/kg thì nông dân mới có lời. Vì giá thành sản xuất mía của tỉnh vụ này vào khoảng 850 đồng/kg.
(Nông nghiệp Việt Nam)