Sau dịch, doanh nghiệp vận tải Sao Việt mới vận hành ổn định được khoảng 60% so với trước đây thì lại gặp áp lực mới từ giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục. Trong hai tháng, xăng 7 lần tăng giá, mỗi lít RON 95-III đắt thêm trên 5.500 đồng; dầu diesel - nhiên liệu sử dụng nhiều nhất trong vận tải - ở mức 30.010 đồng một lít, tăng 20%.
Sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 21/6, gần một tuần nay bộ phận điều phối vận hành hãng này làm việc liên tục để tính toán dồn chuyến, dồn khách tuyến Hà Nội - Lào Cai, Sa Pa. Đây cũng là một hình thức tiết giảm lượng xe chạy để doanh nghiệp bớt lỗ trước sức ép giá dầu tăng và nhiều chi phí khác bủa vây.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt, ước tính chi phí dầu cho mỗi tuyến xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, Sa Pa khoảng 6 triệu đồng, chưa kể các chi phí vận hành. Tức là trung bình, tiền nhiên liệu chiếm trên 50% doanh thu mỗi chuyến xe của hãng.
"Xe tuyến cố định không chạy thì mất slot tại bến, nên nếu quá vắng khách, buộc chúng tôi phải dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng", ông nói.
Hầu hết doanh nghiệp vận tải (hành khách hay chở hàng) cho biết đang trong cảnh hoạt động cầm cự "chứ không dám nghĩ tới có lời". Đại diện hãng xe Sao Việt nói vẫn bỏ tiền đổ xăng, bù lỗ cho mỗi chuyến nhưng nếu kéo dài sẽ không trụ được.
Để các doanh nghiệp vận tải không lỗ khi giá nhiên liệu tăng quá cao hiện nay, doanh nghiệp này tính toán, giá vé phải tăng khoảng 15-20%. Nhưng các hãng xe đều cạnh tranh để có khách, nên theo ông Bằng, "tăng giá ngay là chưa thể".
Không riêng doanh nghiệp vận tải hành khách, khối vận tải hàng cũng đang loay hoay với chi phí nhiên liệu. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty Vận tải Quốc tế cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Hiện mỗi đầu xe chở hàng chạy tuyến Bắc - Nam của họ bị "đội" thêm gần 3 triệu tiền dầu so với trước.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lo lắng, giá xăng dầu tăng cao tác động mạnh tới chi phí vận hành.
Giá nhiên liệu tăng cao khiến các doanh nghiệp ngành nhựa - vốn sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các sản phẩm hoá dầu - chưa kịp hồi phục sau dịch đã lại càng khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chi phí nguyên vật liệu sản xuất của ngành này tăng trên 30%, chưa kể nhiều chi phí khác cũng đi lên theo giá xăng dầu.
Hiện tượng đơn hàng đến hết quý III dồi dào, nhưng xu hướng giảm vào cuối năm cũng đang là lo ngại của nhiều doanh nghiệp dệt may.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG nói doanh nghiệp này may mắn hơn nhiều đơn vị khác là tới giờ không phải cắt giảm sản xuất do "full" đơn với các đối tác lâu năm tới quý IV năm nay. Đơn hàng nhiều nhưng giá lại không tốt như mọi năm do người tiêu dùng các thị trường xuất khẩu chính bắt đầu thắt chặt chi tiêu vì lo ngại lạm phát, chi phí vận tải, lương cho người lao động tăng từ 1/7 tới... nên TNG cũng phải tính toán co kéo, cân đối các chi phí để giảm tối đa sự ảnh hưởng tới sản xuất.
Các doanh nghiệp dệt may cũng đang đối diện với bài toán thiếu nguyên liệu, lao động và tăng chi phí do giá xăng dầu leo thang.
Giá nhiên liệu tăng nhưng cước vận tải hay giá đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp nhựa, dệt may... "không phải muốn là tăng ngay được". Việc đàm phán với các đối tác để tăng giá cước lúc này cũng không dễ dàng.
"Có đối tác họ thông cảm thì bù thêm cho mình 1 triệu đồng tiền nhiên liệu, như thế công ty vẫn phải bù lỗ 2 triệu đồng cho mỗi chuyến xe chạy hai chiều Bắc - Nam. Chúng tôi đang loay hoay tiết giảm mọi chi phí khác để tồn tại, xoay xở bù lỗ cho chi phí nhiên liệu", ông Hùng bộc bạch.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cũng nói cái khó với doanh nghiệp xuất khẩu ngành nhựa là họ chưa thể đàm phán với các đối tác nước ngoài để nâng giá. Điều lo ngại hơn là hiện đơn hàng xuất khẩu nhựa bắt đầu giảm do người dân nhiều nước giảm chi tiêu.
Để duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đang phải chuyển hướng tìm thị trường mới, phát triển thêm bán hàng tại thị trường nội địa hoặc tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn...
Với nền kinh tế, xăng dầu tăng giá đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng bởi mặt hàng này chiếm quyền số khoảng 3,6% trong rổ hàng hoá tính CPI. Giá xăng dầu tăng đã khiến CPI tháng 5 tăng 0,38%.
Thực tế, doanh nghiệp, người dân đều đang chịu nhiều khó khăn khi phải vật lộn với cơn bão giá, nên họ kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ mạnh tay hơn trong đề xuất chính sách thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu. Bởi nếu chậm, mặt bằng giá mới với các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ thiết lập theo đà tăng của giá nhiên liệu, thì khi đó việc kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35%, tức là mỗi lít xăng, dầu người tiêu dùng phải trả gần 12.000 đồng là tiền thuế, phí. Có bốn loại thuế đang được đánh vào xăng dầu, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường được thu theo số tuyệt đối, và đã được giảm 50%, tức 1.900-2.000 đồng một lít với xăng. Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 đồng với dầu - mức "kịch kim" theo thẩm quyền.
Song, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng hoặc thuế nhập khẩu - vốn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, để hãm đà tăng của giá xăng dầu trong nước. Đây là các loại thuế đánh theo tỷ trọng giá nhập khẩu. Giá nhập khẩu xăng thành phẩm càng cao, tiền thu từ các loại thuế này càng lớn. Tức là, khi giá cơ sở xăng dầu tăng, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng thì số thu các loại thuế này cũng tăng dù thuế suất không đổi.
"Bộ Tài chính nên đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng với xăng dầu thì mới có thể hạ nhiệt được mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực thêm nữa cho sản xuất, kinh doanh", Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - ông Đỗ Văn Bằng đề nghị.
Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý với Bộ Tài chính cũng đề nghị về lâu dài nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng hiện là 10%, dầu không chịu sắc thuế này.