Thứ tư, 13/11/2024
Thứ bảy, 3/4/2021, 14:43 (GMT+7)

Bảo dưỡng cầu Long Biên

Hà NộiSau gần 120 năm hoạt động, các kết cấu của cầu Long Biên dần xuống cấp dù được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công từ tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài hơn 1.691 m, có kết cấu ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa và hai bên dành cho phương tiện đường bộ.

Trong thời gian chiến tranh cầu bị hư hỏng một số nhịp, để đảm bảo giao thông thông suốt, nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật và được sử dụng từ đó đến nay.

Công nhân của Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải đang bảo dưỡng cầu Long Biên.

Từ năm 1986, Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải được Tổng công ty đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) giao nhiệm vụ quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên. Ông Tạ Quang Sơn, Phó giám đốc Công ty, cho hay mỗi năm có 4 lần bảo dưỡng, chủ yếu thực hiện với đường sắt như cạo gỉ sắt và sơn lại, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu...

Dù được bảo dưỡng định kỳ, cầu Long Biên đã 120 năm tuổi nên các kết cầu dần xuống cấp và hư hỏng, nhiều khung sắt hoen gỉ.

Giai đoạn 1995 - 2010 cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng. Năm 2015, ngân sách Nhà nước chi 300 tỷ đồng để đại tu cây cầu. Sáu năm qua cầu chỉ được bảo dưỡng định kỳ và hiện chưa có thông tin về đợt sửa chữa lớn.

Những tấm gỗ mới có ghi tháng năm sử dụng, được dùng để làm tà vẹt đường ray tàu hỏa, thay cho những tấm cũ đã mục nát.

Thời gian gần đây, nhiều vị trí trên tuyến đường bộ cầu Long Biên thường xuyên bị bong, bật tạo thành ổ gà, hàng rào lan can bị han rỉ, đứt gãy. Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải cho biết những điểm hư hỏng này đều nằm trong kế hoạch bảo dưỡng của quý I/2021 và đến nay cơ bản sửa chữa xong.

Đầu tháng 4, nhiều nhóm công nhân được huy động kiểm tra lan can, đường ray, hệ thống ốc vít và vệ sinh cầu, hàn gắn những đoạn lan can cầu bị đứt gãy. Theo một số công nhân, việc bảo dưỡng như hiện nay chỉ để "cầm cự", duy trì hoạt động của cây cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, 51 tuổi, nhân viên đường sắt, hàng ngày đi kiểm tra cầu mỗi khi có đoàn tàu về ga.

"Ngày nắng thì đi dưới ray sắt còn ngày mưa đi trên đường nhưa. Tuần cầu phải làm nhiều công việc cùng lúc, từ bảo vệ đường ray, kiểm tra đinh ốc, ray tàu, tà vẹt hư hỏng... rồi báo cho ban quản lý. Cầu đã nhiều tuổi nên việc kiểm tra phải thường xuyên", ông Thắng nói.

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng lắp biển báo, hạn chế phương tiện tại đường dẫn lên cầu đoạn ngã ba Hàng Đậu-Yên Phụ. Tuy nhiên, do phát triển đô thị hai bên sông Hồng, nên vào các khung giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện xe máy, xe đạp lưu thông qua cầu.

Hàng ngày khoảng 20 lượt tàu chạy qua cầu Long Biên.

Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, định hướng xây dựng 5 cầu đường sắt qua sông Hồng, trong đó tuyến cầu đường sắt số 1 sẽ được xây dựng cách cầu Long Biên 75 m về phía thượng lưu. Khi cầu đường sắt số 1 hoàn thành thì ngừng hoạt động tàu hoả qua cầu Long Biên. Tuy nhiên đến nay quy hoạch chưa được thực hiện.

Ngọc Thành - Võ Hải