![]() |
Vũng nước trào lên từ hố chôn gà tại trại gà ND ở thị trấn Tân Túc. |
Ngay sát con đường chính của ấp 3, xã Quy Đức là một mô đất đắp cao, trên phủ đầy rơm rạ trong mảnh ruộng của ông Võ Văn Đẹp. Bà con cho biết vào ngày 28 Tết xã đã cho chôn tại đây khoảng 200 con gà. Cách đó không xa, trên mảnh vườn nhà ông Võ Văn Đời cũng có 100 con gà được tiêu hủy và dưới con hào sau nhà ông Võ Văn Săn là một hố chôn khoảng 1.200 con gà, vịt.
Ông Võ Văn Săn cho biết, số gà vịt được chôn phía sau nhà ông đều được cho vào bao nilông, xịt thuốc khử trùng, trước khi lấp đất dày tới 1 m. Toàn bộ việc chôn gà vịt nói trên đều có sự hướng dẫn và giám sát của cán bộ thú y, cán bộ xã. Tuy nhiên, theo ông Săn, đến chiều 30 Tết thì hố chôn này bốc mùi.
Khổ nhất là những hộ dân nằm ở hướng gió thổi qua ba hố chôn gà vịt này. Ông Nguyễn Hữu Thành, một cư dân trong ấp, than vãn: “Hôm nay là đỡ nhiều lắm, chứ từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, mùi gà vịt chết cứ tràn vào nhà nồng nặc. Bà con, anh em họ hàng đến thắp nhang xong là rút liền chứ không dám ở lại ăn uống”.
Ông Nguyễn Văn Hồng - nhà kế bên nhà ông Thành - cũng cho biết: “Ba ngày Tết phải rút về Long An, chứ ở lại chịu không nổi”.
Theo người dân, tại ba hố chôn gà vịt trên địa bàn ấp không có rải vôi mà chỉ phun thuốc khử trùng. Còn ở ấp 5 xã Phong Phú, trên 2.000 con vịt của trại vịt N.V.S. được chôn ngay tại ao phía trước trại sát mép quốc lộ 1A một cách sơ sài. Trên diện tích gần 150 m2 mặt nước đầy rác rến, một phần ao được ngăn cách bằng một lớp bao cát, bên trên phủ cát mỏng với nhiều khe nứt dài. Mùi hôi từ đây bốc ra và lan tỏa vào nhà dân từ mồng 2 Tết đến nay chưa dứt.
Dư luận ở Bình Chánh cũng đặc biệt quan tâm đến việc chôn 52.000 con gà của trại gà ND ở khu phố 2, thị trấn Tân Túc. Mặc dù hố được đào sâu, có trải bạt, rắc vôi và gà được cho vào bao nilông buộc kín, thế nhưng sau khi chôn gà vài ngày, tại đây đã có sự cố trào dịch và bốc mùi nặng nề. Những vũng nước nhầy màu vàng đen trào lên với nhiều bọt khí. Mặc dù chung quanh đã lấp đất và rắc khá nhiều vôi, nhưng những vũng nước như thế cứ tiếp tục trào ra đến tận đường.
Trả lời về tình trạng ô nhiễm xuất phát từ hố chôn của trại vịt N.V.S. trên địa bàn xã, ông Lê Minh Châu, phó chủ tịch UBND xã Phong Phú, cho rằng: "Do quá cập rập vào những ngày giáp Tết, cộng với việc không đủ vật tư, phương tiện nên còn nhiều thiếu sót".
Ông Châu cũng cho biết thêm sau khi được tin báo, xã đã triển khai cho phun thuốc sát trùng, rải thêm vôi, nhưng vẫn không giảm được mùi hôi.
Nhiều ngày qua, bà con tại hai xã Long Thới và Hiệp Phước (Nhà Bè, TP HCM) đã phản ánh trên sông có khá nhiều bao đựng xác gia cầm do người dân vứt trôi lềnh bềnh, đồng thời do chôn cạn nên mùi hôi ở các hố tiêu hủy gà vịt bốc lên rất khó chịu.
Tại xã Hiệp Phước, một xã hiện nay đa số sống nhờ nghề nuôi tôm, người dân rất lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản. Gần ngã ba vào Khu công nghiệp Hiệp Phước, một xe chống dịch với nhiều nhân viên của Chi cục Thú y TP đã đậu sẵn chờ thu gom gia cầm. Ông Phạm Văn Diên, chủ tịch UBND xã, cho biết trước Tết xã đã tiêu hủy hơn 21.000 con gà vịt. Số gia cầm này được chôn rải rác nhiều nơi nhưng khi được tin báo của bà con, xã đã chủ động gia cố lại các hố chôn, thêm hóa chất khử mùi hôi và sát trùng.
Hiện nay, tại xã còn hơn 30.000 con sẽ không được chôn tại chỗ mà thu gom đưa đi nơi khác tiêu hủy. Theo ông Diên, việc người dân lo sợ về nguồn nước là có cơ sở nhưng đến giờ này vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguồn nước phục vụ nuôi tôm bị ô nhiễm. Ông cũng yêu cầu người dân khi thấy hiện tượng khác lạ cần báo ngay cho xã để có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế thiệt hại cho bà con.
Nhiều ý kiến cho rằng có thể việc chôn gà vịt không đúng kỹ thuật nên mới có hiện tượng bốc mùi hôi hoặc trào dịch màu vàng đen ở những điểm tiêu huỷ.
Trả lời câu hỏi này, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Bình Chánh - bác sĩ Lê Công Thành - cho biết: “Trong những ngày qua, trên địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã có trên 700.000 gà vịt được tiêu hủy. Kết hợp với lực lượng của Chi cục Thú y thành phố, gần 20 cán bộ của đội phòng dịch thuộc trung tâm y tế huyện đã có mặt ở các xã để hướng dẫn bà con tiêu hủy gà vịt. Có thể ở một số điểm tiêu hủy với số lượng nhỏ do bà con tự làm, hoặc vật tư (vôi, bao nilông) không đáp ứng đủ nên còn sai sót về kỹ thuật”.
Tuy nhiên, ông Thành lại cho rằng “với cách thức làm hiện nay rất khó khắc phục được mùi hôi mà chỉ tập trung cho việc khử trùng tại chỗ, không để cho dịch bệnh lây lan, đặc biệt là lây sang người”.
“Chắc chắn không thể có việc đã chôn rồi nay đào lên chôn lại. Về phía vệ sinh phòng dịch, chúng tôi chỉ có thể tiếp tục phun thuốc khử trùng, rải vôi tại hố chôn..., nhưng như đã nói ở trên, cũng chỉ là khử trùng chứ không phải khử mùi”.
Đối với lo ngại của người dân về ô nhiễm nguồn nước, ông Thành trả lời: “Việc này phải lấy mẫu từ các giếng nước mới có câu trả lời chính xác”.
(Theo Tuổi Trẻ)