![]() |
Cột phát sóng của Trung tâm Bưu chính Viễn thông Hà Nội. |
Tiến sĩ Bùi Thanh Tâm, thuộc Đại học Y tế Công cộng, cho biết sóng điện từ tần số radio (300 KHz-300 GHz) được ứng dụng rộng rãi trong liên lạc vô tuyến, phát thanh, truyền hình, viễn thông, radar quân sự... Đối với con người, nó có thể làm nóng sâu vào bên trong cơ thể hàng chục cm, gây sốt. Với năng lượng thấp, nó không gây sốt nhưng có thể làm rối loạn điện tích và sự chuyển hóa trong tế bào... Một số khảo sát sức khỏe ở bộ đội radar cho thấy, tỷ lệ có trạng thái tình dục yếu, sinh con gái nhiều... ở những người này cao hơn so với người bình thường.
Ông Tâm cũng cho biết, những người làm việc lâu năm trong các đài phát thanh truyền hình (nhất là bộ phận phát sóng, kỹ thuật) dễ bị rối loạn sức khỏe. Điển hình là hiện tượng suy nhược cơ thể, gầy gò, da dẻ không tươi tắn, luôn mệt mỏi, ăn uống kém, mất ngủ, trí nhớ giảm... Các triệu chứng này chỉ thể hiện rõ sau 5-10 năm tiếp xúc thường xuyên với sóng điện từ và chúng sẽ tự hết khi bệnh nhân thay đổi môi trường làm việc. Ngoài các đối tượng trên, sóng điện từ còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh các đài phát sóng.
Các nghiên cứu cho thấy, sóng càng ngắn thì năng lượng bức xạ được cơ thể người hấp thu càng nhiều, tác hại đến sức khỏe càng lớn. Sóng cực ngắn có thể gây những biến đổi chức năng và bệnh lý ở các hệ thống thần kinh, tim mạch, nội tiết và nhiều cơ quan khác. Sóng ngắn làm giảm số lượng bạch cầu, gây các rối loạn ở tuyến yên, vỏ thượng thận, tim mạch, nội tiết... Các dải sóng dài và sóng trung làm giảm các quá trình hưng phấn thần kinh, giảm các phản xạ có điều kiện, gây rối loạn chức năng tạo glucozen của gan, rối loại dinh dưỡng ở não và các cơ quan nội tạng, sinh dục... Hiện nay, các loại sóng thường được sử dụng trong phát thanh truyền hình đều là sóng trung đến sóng cực ngắn.
Điều nguy hiểm là các giác quan của con người không thể nhận biết tình trạng ô nhiễm sóng điện từ. Với các tác động khác như ánh sáng, tiếng động, mùi vị, nhiệt độ..., chúng ta có thể cảm nhận và nếu các yếu tố trên có liều lượng vượt quá sức chịu đựng, cơ thể sẽ có những phản xạ như nhắm mắt, bịt tai, bịt mũi. Còn với sóng điện từ, ngay cả khi ta đứng trong trường bức xạ cường độ rất cao, các giác quan đều vô cảm và do đó cơ thể không thể phát sinh các phản ứng tự vệ. Ngoài ra, các tác hại do ô nhiễm điện từ gây ra lại xuất hiện âm thầm sau một thời gian khá dài nên con người hầu như không biết đến nó.
Do nhận thức được những nguy hiểm mà sóng điện từ có thể gây ra cho sức khỏe con người, nhiều quốc gia đã có quy định: các đài phát sóng phải được đặt cách xa khu dân cư một khoảng nhất định. Ở Việt Nam, hiện chưa có quy định về vấn đề này. Ông Trần Ngọc Chính, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn, cho biết, hệ thống Tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam hiện không có quy định về việc đài phát sóng điện từ phải cách xa khu dân cư bao nhiêu, mà chỉ có quy định trong lĩnh vực phóng xạ, đường điện cao tần.
Giáo sư Lê Minh Triết (Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia) cũng bức xúc: "Trước đây, khi xây dựng các đài phát thanh, truyền hình và các trạm radar, người ta chỉ chọn địa điểm thuận lợi trong việc thu phát tín hiệu chứ không quan tâm đến ảnh hưởng của sóng điện từ đối với sức khỏe con người. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu được công bố trên thế giới hàng chục năm qua đều chứng minh, sóng điện cao tần tác động trực tiếp đến thần kinh và tim mạch, gây một số bệnh ở những cơ quan này. Với xu thế phát triển, tại Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm bức xạ điện từ".
(Theo Lao Động)