Theo Cancer Research UK (CRUK), hơn 375.000 trường hợp ung thư được phát hiện mỗi năm ở Anh, tương đương 1.000 ca mỗi ngày. Trong số 1.000 bệnh nhân này, có 100 người dưới 50 tuổi. Ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi và ruột chiếm phần lớn trong số ca chẩn đoán ung thư mới.
Anh không phải quốc gia duy nhất có nhiều ca ung thư ở người trẻ. Nghiên cứu do Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường Y Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) thực hiện, công bố trên tạp chí BMJ Oncology tháng 9 năm ngoái, cho thấy số ca ung thư ở người dưới 50 tuổi toàn cầu tăng gần 80% trong ba thập kỷ qua.
Các chuyên gia đã tổng hợp dữ liệu từ 204 quốc gia, gồm 29 loại ung thư. Họ đi sâu phân tích các trường hợp mới, tử vong, ý nghĩa sức khỏe và các yếu tố nguy cơ khiến người từ 14 đến 49 tuổi mắc bệnh kể từ năm 1990 đến năm 2019.
Trong khoảng thời gian này, số ca mắc ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu tăng từ 1,82 triệu lên 3,26 triệu. Tỷ lệ tử vong ở độ tuổi 40, 30 hoặc trẻ hơn tăng 27%, tương đương hơn một triệu bệnh nhân dưới 50 tuổi tử vong vì ung thư mỗi năm. Tiến sĩ Claire Knight, nhà quản lý thông tin y tế cấp cao tại Cancer Research UK, nhận định mức tăng ung thư như trên là "đáng báo động".
Trong số các bệnh ung thư, u ác tính đại tràng khởi phát sớm tăng một cách chóng mặt. Nghiên cứu của giáo sư Ogino, Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho thấy mỗi năm, số ca mắc ung thư đại trực tràng ở thanh niên Mỹ, Australia, Canada, Pháp và Nhật Bản tăng khoảng 2%. Con số ở Anh, Scotland và xứ Wales là 3%. Ở Hàn Quốc và Ecuador là khoảng 5%.
"Tỷ lệ không lớn, nhưng hãy nghĩ đến tốc độ của nó. Nếu các ca ung thư ruột tăng 2% mỗi năm, con số sẽ cao đến thế nào trong 10 hoặc 20 năm tới?", Ogino nói.
Từ năm 1988 đến năm 2015, tỷ lệ ung thư trực tràng khởi phát sớm đã tăng từ 8 lên gần 13 trên 100.000 người (tương đương với 63%), theo đánh giá của Tạp chí Y học New England. Các nghiên cứu khác cho thấy cứ 10 trường hợp ung thư đại trực tràng ở Mỹ thì có một người trong độ tuổi từ 20 đến 50.
Nghiên cứu của Ogino chỉ ra "hiệu ứng thuần tập", nghĩa là nguy cơ ung thư khởi phát sớm ở thế hệ sau đều tăng lên so với thế hệ trước. Ví dụ, người sinh năm 1990 có tỷ lệ ung thư cao hơn so với những người sinh năm 1980.
Theo ông Ogino, độ tuổi ung thư trẻ hóa là do lối sống không lành mạnh, tình trạng béo phì, lười vận động, tiểu đường, thói quen uống rượu, hút thuốc, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, làm việc theo ca và thiếu ngủ gây ra.
"Có rất nhiều yếu tố chưa được kiểm chứng khác như chất gây ô nhiễm hoặc phụ gia thực phẩm", ông nói, thêm rằng rất nhiều bệnh ung thư khởi phát sớm liên quan đến hệ tiêu hóa, cho thấy vai trò của chế độ ăn uống và hệ vi sinh đường ruột đối với sức khỏe.
Còn giáo sư Andrew Begss, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng tại Đại học Birmingham, nhận định lý do khác khiến các ca ung thư xuất hiện ngày càng nhiều là ý thức tầm soát sớm của người trẻ. Các phương pháp phát hiện ung thư đã tốt hơn, người dưới 40 tuổi cũng có nhận thức về triệu chứng và các yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Maia Kennedy, 38 tuổi, sống tại Hackney, là một trong những bệnh nhân tầm soát ung thư sớm tại bệnh viện của giáo sư Begss. Cô thường xuyên bị buồn nôn vào tháng 12/2023 và đi khám. Ban đầu, bác sĩ cho rằng đây là chứng trào ngược axit dạ dày, song Kennedy không yên tâm và quyết định nội soi. Kết quả cho thấy cô có một khối u trong đại tràng. Cô được chỉ định làm phẫu thuật để cắt bỏ một phần ruột vào đầu năm nay.
Bản thân Công nương xứ Wales cũng phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư thông qua ca phẫu thuật bụng hồi tháng 1. Kate được chỉ định hóa trị phòng ngừa vào cuối tháng 2.
Để ngăn ngừa bệnh ung thư khởi phát sớm, các chuyên gia khuyên mọi người thực hành lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý, hạn chế tiêu thụ thuốc lá và rượu, tăng hoạt động ngoài trời.
Thục Linh (Theo Express, Dail Mail)