Đây là kết quả nghiên cứu do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện vào năm 2012, vừa công bố tại Hà Nội. Hơn 11.000 người tuổi 30-69 tại 6 vùng gồm: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã tham gia nghiên cứu.
Cụ thể, gần 6% dân số Việt Nam bị tiểu đường, trong đó tỷ lệ mắc cao nhất ở Tây Nam Bộ (hơn 7%), thấp nhất là Tây Nguyên (gần 4%). Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose cũng gia tăng mạnh mẽ từ 7,7% năm 2002 lên gần 13% năm 2012.
Theo tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên nhân của thực trạng này là do sự thay đổi về lối sống dẫn đến thay đổi về dinh dưỡng, thu nhập năng lượng dư thừa và cơ cấu bữa ăn thay đổi với tỷ lệ protein, lipid chiếm ưu thế, rau xanh và khoáng chất ít đi. Bên cạnh đó phải kể đến lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực do sử dụng các phương tiện cơ giới thay cho hoạt động thể lực trong sinh hoạt và công việc. Sự kết hợp của một loạt các yếu tố trên đã sinh ra bệnh đái tháo đường.
Cũng theo nghiên cứu, những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao gấp 4 lần những người dưới 45 tuổi. Người bị huyết áp cao cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác hơn 3 lần. Người có vòng eo lớn nguy cơ mắc cao hơn 2,6 lần.
Bên cạnh đó, một thực trạng đáng quan tâm là tỷ lệ người bệnh trong cộng đồng không được phát hiện ở nước ta là gần 64%, cao hơn hẳn so với thế giới. Trên thế giới, cứ một người bệnh được quản lý điều trị thì sẽ có 1 người đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán (50%). Kiến thức chung về bệnh của người dân cũng rất thiếu. Gần 76% số người được hỏi có kiến thức rất thấp về chẩn đoán và biến chứng của bệnh, chỉ có 0,5% có kiến thức tốt, tiến sĩ Quang cho biết.
Vì thế, Chiến lược quốc gia phòng chống đái tháo đường giai đoạn 2013-2020 đặt ra mục tiêu tăng cường sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện người bị tiền đái tháo đường, bị đái tháo đường. Đồng thời nâng cao chất lượng can thiệp, đảm bảo 80% người bệnh sau tư vấn thay đổi lối sống.
Theo Hiệp hội đái tháo đường Thế giới, bệnh thường xảy ra âm thầm, khi biểu hiện rõ thì đã có biến chứng đe dọa tính mạng. Tại Việt Nam, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì 6 người đã có biến chứng. Ngay các bệnh nhân đã được chẩn đoán cũng chưa điều trị đúng mức. Hậu quả của nó rất nặng nề, là thủ phạm của nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận, hoại tử chi...
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, nếu đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường thì người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tốt để không tiến triển thành bệnh. Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh. Nếu không can thiệp, 33% bệnh nhân tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành bệnh.
Trường hợp đã mắc bệnh thì cần tuân thủ đúng hướng dẫn. Với bệnh nhân tiểu đường việc điều chỉnh chế độ ăn là một trong những mục tiêu quan trọng. Một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức khó khăn, đó là khẩu phần ăn cần đảm bảo chất bột đường chiếm 50-60% tổng năng lượng, chất đạm chiếm 15%, mỡ động vật ít dưới 7%.
Biểu hiện của bệnh thường là người mệt mỏi, đi tiểu nhiều, sút cân, vết thương lâu lành, luôn đói, có vấn đề về sinh hoạt tình dục, nhìn mờ, khát, uống nhiều nước, nhiễm khuẩn âm đạo... Hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh nhưng 80% trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng tránh được bằng chế độ ăn uống hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.
Nam Phương