Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hôm qua bão gần như ít dịch chuyển. Lúc 7h ngày 24/7, bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180 km về phía đông nam, sức gió mạnh nhất 75 km/h (cấp 8).
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng 24/7, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hôm nay bão tiếp tục di chuyển chậm. Từ ngày 25/7 khi vào nam vịnh Bắc Bộ, nó sẽ đi nhanh dần, ban đầu là 10 km/h, sau đó tăng lên 15-20 km/h.
"Dự kiến đêm 25 và rạng sáng 26/7, bão đi vào đất liền Thanh Hóa - Quảng Bình, trọng điểm vẫn là Nghệ An và Hà Tĩnh, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Cường nói và cho biết so với bão Talas thì khu vực tác động của Sonca rộng hơn, nhưng cường độ yếu hơn 1-2 cấp khi trên biển và đất liền. Vùng nguy hiểm cho tàu thuyền là từ vĩ tuyến 16,6 đến 20,5; tây kinh tuyến 113 độ.
Hoàn lưu bão sẽ gây mưa cho Quảng Trị - Quảng Ngãi từ chiều nay. Trong hai ngày 25 và 26/7, Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế có mưa với lượng 100-250 mm. Từ chiều tối và đêm 25/7, ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và cả bắc Tây Nguyên có mưa to 50-150 mm cả đợt.
Lượng mưa thượng nguồn sông Đà không lớn, trong đó nam Sơn La và Hòa Bình chỉ 50 mm ngày 25-26/7, tập trung ở lòng hồ và ảnh hưởng trực tiếp đến hồ thủy điện Hòa Bình.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Sonca có diễn biến phức tạp, trong khi các tỉnh từ Quảng Bình trở ra vừa phải chịu tác động của bão Talas.
Để chủ động ứng phó với Sonca, chiều qua Ban đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, Bắc Bộ và các bộ ngành thường xuyên thông tin tới các phương tiện hoạt động trên biển để tránh nơi nguy hiểm; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Nhà chức trách cũng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 60.000 tàu thuyền với 250.000 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão.
Ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lưu ý các địa phương việc neo đậu tàu thuyền. “Chúng tôi từng đi kiểm tra bão mạnh cấp 10-11 nhưng dân vẫn dưới tàu. Các địa phương phải làm quyết liệt, tránh hô hào”, ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình là khu vực dốc, vừa qua lũ quét, lũ ống đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, do vậy cần có phương án ứng phó kịp thời.
Bão Sonca hình thành ngày 21/7 từ áp thấp nhiệt đới ở biển Đông, hai ngày sau mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão thứ tư ở biển Đông trong năm nay. Trong đó bão thứ nhất và thứ ba đổ bộ Trung Quốc, bão thứ hai Talas đổ bộ vào Nghệ An - Hà Tĩnh rạng sáng 17/7 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.