Chiều qua và sáng nay, 21/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đăng đàn trước Quốc hội, tập trung trả lời các chất vấn liên quan đến quản lý báo chí, game và giá cước 3G.
Trước câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến về "trách nhiệm của Bộ trong quy hoạch mạng lưới báo chí là như thế nào để tránh lãng phí nguồn lực, cạnh tranh thiếu lành mạnh?", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, quy hoạch báo chí là nhiệm vụ Bộ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, ban ngành.
Thời gian tới, bên cạnh việc quy hoạch về số lượng, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng báo chí. Dự tính năm 2020 các cơ quan báo chí sẽ tự hạch toán, nhà nước chỉ hỗ trợ và đặt hàng để phục vụ vùng sâu vùng xa. Về phát thanh truyền hình, Bộ sẽ tổ chức quy hoạch theo hướng hiện đại, tự sản xuất tối thiểu 50% lượng chương trình.
"Báo điện tử sẽ trở thành loại hình truyền thông chủ lực, hiện đại với nhiều ưu điểm", Bộ trưởng Son nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề trên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đoàn TP HCM nêu ý kiến: "Dù chúng ta không chấp nhận, không cho phép nhưng hiện nay đã xuất hiện các tờ báo lá cải với thông tin độc hại, giật gân câu khách, tình trạng này chưa được giải quyết do sự thiếu kiên quyết của các đơn vị quản lý. Sự thiếu kiên quyết này do đâu?".
Người đứng đầu ngành thông tin dẫn Luật báo chí chỉ rõ, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước. "Vì vậy xã hội ta không có báo lá cải", ông Son khẳng định. "Nhưng có lúc, có thời kỳ, báo chí không chỉ đạo đúng trong công tác tuyên truyền, nên xuất hiện khuynh hướng báo lá cải, điều này cần phải xử lý và chấm dứt", ông Son nói.
Để khắc phục hiện tượng trên, ông Son cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chủ quản, kiểm tra, xử lý; đồng thời tuyên truyền, nâng cao đạo đức của nhà báo; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người lãnh đạo cơ quan báo chí.
Đánh giá cao vai trò của báo chí cho đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay, cả nước hiện có 838 cơ quan báo chí, 199 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình, 17.000 phóng viên được cấp thẻ. Tuy nhiên, báo chí vẫn còn những hạn chế, yếu kém, nhiều báo của ngành, địa phương đưa quá nhiều tin tiêu cực. Nhiều báo còn đưa tin sai, không kiểm chứng, gây bức xúc, hoang mang cho xã hội.
Người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông lưu ý, báo chí cũng phải phê phán mặt trái xã hội, nhưng với những vụ án phức tạp thì không nên đưa tỉ mỉ, tràn lan những chi tiết rùng rợn, gây tâm lý hoang mang.
"Báo chí không chỉ là cung cấp thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin, để tăng cường đoàn kết trong hoàn cảnh khó khăn", Bộ trưởng Son nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, thời gian tới sẽ đề nghị Chính phủ ban hành nhiều quy định để báo chí hoạt động hiệu quả hơn đồng thời sửa Luật Báo chí để khắc phục những bất cập hiện nay. Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan, địa phương thực hiện quy định về cơ chế phát ngôn, tạo điều kiện để báo chí được tiếp cận nguồn tin chính xác, đầy đủ nhất. "Thông tin đúng, chính xác, kịp thời của những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm sẽ giúp đẩy lùi những thông tin đồn thổi sai trái", Bộ trưởng nói.
Cũng trong buổi chất vấn sáng nay, nhiều câu hỏi của đại biểu hướng vào việc quản lý trò chơi trực tuyến (game online) khi hàng năm có nhiều trò chơi trực tuyến bất hợp pháp, để lại hậu quả nghiệm trọng.
Ông Son cho rằng game online là loại hình giải trí hiện đại, nếu sử dụng tốt quỹ thời gian thì nó có tác dụng giải trí rất tốt, ngược lại sẽ gây nhiều tác hại và đã có nhiều bi kịch xảy ra trong xã hội.
Việt Nam hiện có 82 đầu game đang hoạt động, nhưng thực tế có nhiều game lậu vào thị trường, nên việc cấp phép cho game đã dừng từ tháng 10/2010. Tuy nhiên do nhu cầu vẫn còn, nên các đối tượng đi tìm ở bên ngoài, với môi trường mở. Tháng 6/2013, cơ quan quản lý đã xem xét để cấp phép game lại, bảo đảm quản lý được game, đẩy lùi game lậu và đã thành lập các cơ quan, viện, hội đồng liên quan để giám sát, cấp phép game phù hợp.
Với câu chuyện về giá cước 3G, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP HCM hỏi: "Các nhà cung cấp dịch vụ đồng loạt thống nhất tăng giá 3G như hiện nay liệu có vi phạm luật cạnh tranh Việt Nam không?".
Bộ trưởng Son trả lời: "Nếu chỉ vô tình tăng giá cùng lúc thì không vi phạm. Bởi có thể do sự điều chỉnh của thị trường, ngẫu nhiên các nhà mạng tăng giá cùng ngày, cùng thời điểm vì thực tế là mỗi nhà mạng lại có sự tăng giá khác nhau và điều chỉnh khác nhau về dịch vụ 3G".
Bộ sẽ tiếp tục điều tra trong thời gian tới và tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. "Nếu ba nhà mạng bắt tay thì phải xử lý nghiêm minh", ông Son nói.
Trước đó, cho rằng việc tăng giá dịch vụ 3G hiện nay không đi kèm với tăng chất lượng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng Bắc Son cho biết thêm thông tin về việc này. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm đặt nghi vấn, tăng cước 3G như hiện nay liệu đã hợp lý chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, một thời gian dài thị trường viễn thông Việt Nam đã duy trì ổn định và giá 3G tương đối thấp, chưa đầy 50% giá thành. Việc tăng cước 3G là phù hợp với lộ trình và các điều khoản pháp luật, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, bởi Việt Nam không thể bán dưới giá thành.
Theo Bộ trưởng, dự kiến năm 2014 sẽ áp dụng mạng 4G nhưng còn phải căn cứ vào tình hình cụ thể. Hiện Bộ đã cấp phép thử nghiệm.
Hương Thu