Cơn bão địa từ mạnh phá hủy 40 vệ tinh Starlink do SpaceX phóng vào tuần trước. Công ty của tỷ phú Elon Musk phóng tên lửa Falcon 9 đưa 49 vệ tinh lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida hôm 3/2, nhưng bão địa từ xảy ra một ngày sau đó khiến các vệ tinh rơi trở lại Trái Đất và bốc cháy trong khí quyển.
"Vệ tinh triển khai hôm 3/2 chịu ảnh hưởng mạnh từ bão địa từ hôm 4/2. Phân tích sơ bộ cho thấy lực kéo tăng lên ở độ cao thấp ngăn các vệ tinh tắt chế độ an toàn để bắt đầu thao tác nâng quỹ đạo. Có tới 40 vệ tinh sẽ hồi quyển hoặc đã rơi xuống khí quyển Trái Đất", SpaceX cho biết.
Bão địa từ xảy ra khi gió mặt trời, những hạt tích điện từ Mặt Trời, va chạm với từ trường Trái Đất, tạo ra hạt tích điện ở tầng thượng quyển. Gió mặt trời làm tầng thượng quyển ấm lên và mật độ khí quyển tăng lên, dẫn tới lực kéo tác động lên vệ tinh ở quỹ đạo thấp mạnh đến mức khiến chúng rơi trở lại Trái Đất. Bão địa từ mà các vệ tinh Starlink gặp phải đến từ gió mặt trời sản sinh bởi cơn phun trào cực quang hôm 30/1.
Sau khi phóng, 49 vệ tinh SpaceX bắt đầu quay quanh quỹ đạo cách mặt đất 210 km. Quỹ đạo thấp này được thiết kế để có thể dễ dàng hủy bỏ vệ tinh nếu triển khai thất bại, nhưng đồng thời cũng khiến vệ tinh dễ chịu tác động từ bão địa từ.
Theo SpaceX, hệ thống GPS của vệ tinh cho thấy cơn bão khiến lực kéo khí quyển tăng hơn 50% so với những lần phóng trước đó. Nhóm vệ tinh được lệnh tránh bão bằng cách bay theo rìa, nhằm giảm bề mặt tiếp xúc của vệ tinh với khí quyển, giúp hãm bớt quá trình rơi nhanh của chúng.
Nhưng lực kéo quá mạnh đến mức 40 vệ tinh bị phá hủy. SpaceX cam đoan sự cố không tạo ra mảnh rác nào trên quỹ đạo và không có mảnh vỡ nào rơi xuống đất do các vệ tinh của công ty được thiết kế để tan vỡ trong quá trình hồi quyển. Từ khi vệ tinh Starlink đầu tiên phóng vào năm 2019, SpaceX đã đưa 2.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất và dự kiến đưa 42.000 vệ tinh quay quanh hành tinh. Chương trình Starlink sẽ cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cho khách hàng ở mọi nơi trên thế giới, nhưng cũng vấp phải chỉ trích của các nhà nghiên cứu do ảnh hưởng tới quan sát thiên văn học.
An Khang (Theo Live Science)