Chúng tôi có cuộc hôn nhân kéo dài gần 20 năm và có hai con. Vợ chồng không giàu nhưng đều đang có công việc ổn định và có chút vị trí ở nơi công tác. Mức thu nhập tạm đủ để duy trì được mức sống đô thị và tập trung nguồn lực để chăm lo, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học tốt. Chồng tôi chăm chỉ làm việc, có nếp sống lành mạnh, chỉn chu và có trách nhiệm với gia đình, con cái.
Từ góc độ xã hội, chúng tôi là hình ảnh một gia đình 4 người yên ấm, vừa đủ. Thực chất, giữa vợ chồng luôn có rất nhiều xung đột, khúc mắc và mâu thuẫn. Từ lâu, tôi không hề cảm nhận được sự yêu thương từ chồng. Chúng tôi độc lập tài chính, phân chia chi phí trong việc chăm sóc gia đình, con cái. Thật hiếm và khó để tôi cảm nhận được sự hào phóng chồng có thể dành cho mình trong suốt ngần ấy năm chung sống. Mọi sự quan tâm nếu có đều kiểu tính toán "có đi có lại", không thì thôi. Tình cảm chồng dành cho tôi nhiều nhất chính là sự kiểm soát, nghi kỵ, thiếu tôn trọng.
Tôi từng khúm núm, dè dặt với các mối quan hệ khác bởi luôn ám ảnh, áp lực bởi sự kiểm soát của chồng. Tiền lương ít ỏi của tôi chỉ để dành mua đồ cho con, cho chồng bớt khinh, không thiết chăm sóc bản thân vì sợ chồng nghi kỵ, để mặc bản thân phát phì vì stress. Trong nhiều năm, tôi luôn bị bức bối, mệt mỏi, kiệt quệ. Rồi khi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã nhiều lần đề xuất ly hôn hoặc ly thân, chồng tôi đều không chấp thuận. Đến nỗi, đã có những lúc tôi tiêu cực và nghĩ chuyện dại dột, vì cho rằng chỉ có như vậy mới được giải thoát khỏi chồng mình. Rồi tôi vẫn trụ lại và vực dậy sau nhiều lần suy sụp.
Tôi thực sự mong muốn con mình được lớn lên trong một gia đình đủ đầy bố mẹ, hạnh phúc, sợ con bị tổn thương. Tôi biết và hiểu nhiều người sẽ cho rằng đây là suy nghĩ ngu ngốc, nhu nhược, ngớ ngẩn. Nhưng tôi đã chứng kiến quá nhiều cảnh đời và những đứa trẻ bị tổn thương, tâm lý ảnh hưởng do gia đình đổ vỡ. Tôi thực sự không muốn các con mình phải chịu đựng điều đó. Do đó, thậm chí tôi nhiều lần đề nghị rằng chồng có thể kín đáo đi tìm kiếm mối quan hệ với người phụ nữ khác, chỉ cần đừng giày vò tôi nữa, để tâm tôi được an yên, để tôi tập trung chăm lo gia đình, con cái, bản thân sẽ không một lời ca thán. Chồng tôi gạt đi, mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại.
Cuộc sống nhiều diễn biến và buộc tôi phải mạnh mẽ hơn để chăm lo cho con cái đang lớn dần lên, bố mẹ tôi đều già đi cùng bệnh tật. Thời gian có lẽ khiến con người ta có thể chai sạn với cả những tổn thương về thể chất, tinh thần. Hai năm trở lại đây, tôi đã kiểm soát tốt hơn những suy nghĩ tiêu cực, tập trung tâm sức để chăm sóc con cái và bản thân tốt hơn, không để ý nhiều đến thái độ của chồng đối với mình nữa. Tôi thờ ơ và cũng bắt đầu khinh khi, mặc kệ anh muốn nghĩ gì, làm gì, không còn quan tâm nữa, không buồn giải thích gì cả.
Tôi học cách tự yêu thương, chăm sóc, quản lý, xây dựng hình ảnh bản thân tốt hơn; mặc dù thu nhập kém hơn chồng. Tôi cố gắng trong công việc, gắng gồng để gánh vác ngang cơ phần chi phí sinh hoạt, chăm lo cho con để chồng bớt càm ràm tiền nong. Chúng tôi gần như không thể trò chuyện với nhau vì ngày càng khác xa về cách nhìn, nhân sinh quan. Chồng thường đánh giá các vấn đề theo góc nhìn cá nhân, có phần cực đoan. Tôi nhìn nhận theo hướng khách quan, đa chiều, vì thế nếu nói chuyện thường dẫn đến bất đồng quan điểm, gây ức chế, khó chịu, tôi chọn thà không nói còn hơn. Tôi ngày càng lạnh lùng với chồng, quyết định không còn muốn thể hiện bất kỳ sự quan tâm, chăm sóc nào cho anh nữa.
Về mặt cảm xúc, tôi thật sự rất cô đơn, cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm, đồng điệu. Tôi cũng để mặc chồng, để chồng phải chịu sự cô đơn ấy. Dù vậy, chúng tôi vẫn gắn kết, giữ gìn nếp sống gia đình, chia sẻ cùng nhau trách nhiệm với con cái, bố mẹ. Vì thế, các con tôi đều trộm vía lớn lên tốt, được đón nhận sự yêu thương chăm sóc của cả hai bố mẹ. Mọi người xung quanh, ngay cả các con, có lẽ cũng không nghĩ chúng tôi mâu thuẫn với nhau nhiều đến vậy. Có rất nhiều chuyện đã xảy ra, nhưng ở thời điểm hiện tại, khi mọi chuyện đã qua đi, tôi muốn nói đến hiện trạng của chúng tôi bây giờ. Tôi hiểu rằng vợ chồng đều rất cô đơn trong mối quan hệ này. Cả hai vợ không còn dành sự quan tâm, chăm sóc cho nhau (theo nghĩa yêu thương). Thực lòng, tôi mong chồng được hạnh phúc, mong anh tìm lấy một mối nhân duyên khác, một người phụ nữ nào đó có thể khiến anh yêu thương, chăm sóc, tin tưởng, tôn trọng.
Còn đối với tôi, ngẫm thấy cô đơn cũng chẳng sao, có thể độc lập và làm chủ cuộc sống của mình. Tôi thực sự không nảy sinh bất kỳ cảm xúc với ai. Việc sống và chịu đựng chồng quá lâu khiến tôi không thấy còn ham muốn, khao khát gì đàn ông nữa. Có điều, ác mộng vẫn tồn tại đối với tôi, có một việc mà tôi thấy không thể chịu đựng được thêm nữa. Đó là việc dù không quan tâm, yêu thương, nhưng chồng vẫn đòi hỏi tôi phải đáp ứng nhu cầu sinh lý. Tôi không biết do mình bị lãnh cảm hay vì cũng bắt đầu có tuổi, nên ngay cả bản năng sinh lý cũng không thể giúp tôi cố gắng việc phải quan hệ tình dục với chồng thêm nữa. Dù tôi chối bỏ, xua đuổi thế nào, chồng tôi vẫn sẽ làm việc đó bằng được. Mọi việc khác, tôi có thể bỏ qua để mà sống, nhưng việc chung đụng thể xác này khiến tôi cảm thấy mình bị đối xử tệ, kiểu như món đồ chơi của chồng.
Tôi nhiều lần dốc lòng thuyết phục anh ly hôn trong văn minh nhưng vẫn không thành. Tôi bảo anh đi "bóc bánh trả tiền" hay đi kiếm bồ cũng được, chỉ cần để tôi yên. Tôi không biết và thực cũng không cần biết anh có làm những việc đó không, nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ việc ép tôi phải gần gũi. Tôi thực sự không biết có cách nào để chồng buông tha cho mình. Tôi hiểu rằng, việc tiếp tục chịu đựng không thể là giải pháp mãi mãi. Tôi cũng hiểu nếu chồng không thay đổi, mối quan hệ vợ chồng không thể xây dựng lại từ tình cảm yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu và đồng lòng, ly hôn vẫn là việc không thể tránh khỏi. Vì vậy, tôi thực sự muốn hỏi một câu ngờ nghệch: "Nếu không thể ly hôn, có cách nào chung sống an yên khi tình cảm đã cạn"? Câu hỏi tỉnh táo, có phần tham lam: "Cách nào để ly hôn khi đối phương không đồng thuận và ít ảnh hưởng nhất tới con cái"? Cảm ơn các bạn.
Diệp Oanh