CNN dẫn tin về sự xuất hiện của ông Kim Jong-un từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA trong bài viết với tiêu đề "Triều Tiên thông báo lãnh đạo đã tái xuất". Tuy nhiên, kênh này đặt nghi vấn liệu những thông tin trên có thực sự chính xác đến đâu.
"Nhiều câu hỏi nhưng rất ít câu trả lời được đưa ra vào lúc này", Brian Todd, phóng viên của CNN, nhận định.
Cùng chung quan điểm, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Patrick Ventrell cho rằng, chưa thể xác thực những thông tin này. "Chúng ta đều xem bản tin nhưng không có gì đảm báo tính chính xác của nó tại thời điểm này", CNN dẫn lời ông nói.
Trong bài "Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện lần đầu trước công chúng sau 40 ngày", hãng tin AP đánh giá sự hiện diện của ông Kim "chấm dứt quãng thời gian vắng mặt gây ra những đồn đoán điên cuồng trên phạm vi toàn cầu".
Bloomberg loan tin "lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xuất hiện trở lại sau 6 tuần, chống gậy đi thăm một khu dân cư mới, kết thúc giai đoạn ẩn dật, từng làm dấy lên nhiều nghi vấn về khả năng nắm quyền của ông". Hầu hết các hãng tin phương Tây nhất loạt đưa tin về sự kiện ông Kim trở lại.
Trang web của Rodong Sinmun, tờ báo của đảng cầm quyền Triều Tiên, đăng tải những bức hình ông Kim nói chuyện và tươi cười trong khi tay vẫn cầm gậy. Nhưng, ngày tháng chụp những hình ảnh này lại không được công bố.
"Thực tế là Kim xuất hiện trở lại khi vẫn trong giai đoạn hồi phục thể hiện mong muốn của ông trong việc đập tan tin đồn và những suy đoán về vấn đề ai là người nắm quyền lực", Bloomberg dẫn lời Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, nói. "Triều Tiên lúc này sẽ nỗ lực vẽ chân dung ông ấy như một lãnh đạo quan tâm nhân dân đến mức sẵn sàng trở lại ngay cả khi vẫn cần sự hỗ trợ của cây gậy chống".
Song song với việc đưa tin, hãng thông tấn Reuters còn dẫn phân tích và bình luận của một số chuyên gia về sự xuất hiện bất ngờ của ông Kim.
"Bản tin về các hoạt động của ông Kim được đưa ra nhằm xua tan những đồn đoán bên ngoài đất nước, đồng thời, làm giảm sự lo lắng của người dân cũng như quân đội Triều Tiên quanh vụ đấu súng giữa hai miền xảy ra hôm 10/10", một nhà phân tích nhận định.
"Ông ấy là người dẫn dắt lực lượng quân đội. Trước đây vài ngày, một động thái quân sự đã diễn ra", An Chan-il, người đứng đầu một cơ quan cố vấn về Triều Tiên ở Seoul, bình luận. "Có khả năng nhiều mối lo âu đang dâng cao trong dân chúng cũng như quân đội, sự xuất hiện của ông Kim sẽ xoa dịu tình hình".
Tờ Independent của Anh cũng nhanh chóng đưa tin về sự trở lại của ông Kim nhưng không quên đặt câu hỏi "Vậy ông đã ở đâu?".
Trang tin News của Australia bình luận rằng sự kiện vừa rồi cho thấy Triều Tiên kiểm soát và định hướng hoàn toàn truyền thông nhà nước. Ông Kim thường được nhìn nhận như suối nguồn trong trẻo của tất cả những điều tốt đẹp và mạnh mẽ. Kênh truyền hình trung ương thường xuyên phát sóng các đoạn băng lưu trữ về ông, và khi không phát gì, nó trở thành điều đặc biệt.
"Ở Triều Tiên, người dân cảm nhận được sự có mặt của Kim ngay cả khi ông ấy không xuất hiện", Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết trên trang cá nhân. "Bên ngoài đất nước, cơ quan tuyên truyền Triều Tiên khiến sự hiện diện của Kim quan trọng đến nỗi truyền thông quốc tế phải cảm thấy đáng lo ngại trước sự vắng mặt của ông, thậm chí cả khi không có dấu hiệu về sự bất ổn nào từ Bình Nhưỡng".
Tờ Independent của Anh đưa tin về sự xuất hiện của ông Kim. Ảnh chụp màn hình
Vũ Hoàng (tổng hợp)