Hàng loạt trang báo, hãng tin lớn trên thế giới hôm nay cùng đưa tin nổi bật về phiên tranh luận tổng thống Mỹ thứ ba, cũng là lần cuối cùng của hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng Donald Trump và Hillary Clinton. Đặc biệt, việc nhà tài phiệt New York và cựu ngoại trưởng Mỹ từ chối bắt tay kể cả khi mở màn lẫn lúc kết thúc chương trình thu hút được nhiều quan tâm.
"Clinton và Trump xuất hiện trên bục phát biểu tại Đại học Nevada, Las Vegas, họ lại bỏ qua cái bắt tay truyền thống giống như những gì từng xảy ra tại cuộc tranh luận hồi tuần trước ở St. Louis, Missouri. Nhưng lần này họ còn không bắt tay lúc cuộc tranh luận khép lại", Reuters viết.
Theo hãng tin của Anh, cuộc tranh luận tổng thống thứ ba là cơ hội hiếm hoi còn lại để cả hai ứng viên lật ngược tình thế. Ông Trump có thể tận dụng thời cơ để giành ủng hộ từ những cử tri còn phân vân, trong khi đó phiên tranh luận là sân khấu để Clinton dõng dạc tuyên bố vì sao bà xứng đáng là người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama.
Reuters đánh giá hai ứng viên tổng thống Mỹ đã có một cuộc tranh luận căng thẳng, đi sâu vào nhiều vấn đề như phá thai, kiểm soát súng đạn hay nhập cư. Đôi bên "thỉnh thoảng phản ứng một cách giận dữ".
Kênh CNN, Mỹ, nhật báo Straits Times của Singapore, trang tin Times of India của Ấn Độ cùng rất nhiều tờ báo khác cũng đưa riêng các bài viết về việc Trump và Clinton không bắt tay.
Hãng thông tấn AP trong khi đó lại đăng một bài kiểm chứng các thông tin mà ông Trump và bà Clinton đưa ra trong cuộc tranh luận. Theo AP, "Donald Trump đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm thiếu chính xác về ngành sản xuất ở Mỹ còn Hillary Clinton thì vẫn tiếp tục biện hộ rằng kế hoạch chi tiêu bà theo đuổi không làm gia tăng nợ của nước Mỹ".
New York Post đánh giá phiên tranh luận tổng thống lần ba mở đầu khá suôn sẻ khi các ứng viên chủ yếu tập trung vào những vấn đề chính sách. Tuy nhiên, càng về cuối, cuộc đối đầu càng trở nên nóng hơn khi đôi bên liên tiếp tung ra những đòn tấn công cá nhân nhằm vào đối thủ.
Kết quả từ một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy 52% số người được hỏi nói bà Clinton chiến thắng cuộc tranh luận cuối. Tỷ lệ dành cho ông Trump là 39%.
Song bình luận viên Richard Walker từ kênh truyền hình DW, Đức, cho rằng không có người chiến thắng rõ ràng trong phiên tranh luận tổng thống cuối cùng.
"Cả hai ứng viên ở một chừng mực nào đó đều thể hiện khá vững vàng", ông nhận xét. Nhưng theo Walker, nhà tài phiệt New York vẫn không làm được gì nhiều trong việc gây ấn tượng đối với các cử tri nằm ngoài nhóm ủng hộ cốt lõi.
Politico lại tỏ ra nghiêng về phía bà Clinton khi đăng bài viết với nhan đề "Clinton giáng đòn mạnh vào Trump". Trang tin này cho rằng bà Clinton đã "kiểm soát tốt sân khấu tranh luận ở Las Vegas, giăng bẫy Donald Trump ở vấn đề nhập cư và mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Cùng chung quan điểm, theo cây bút Anthony Zurcher từ BBC, Trump đã "không có một buổi tối tốt đẹp" ở Las Vegas.
Mặt khác, việc Trump né tránh trả lời câu hỏi của người điều phối về việc liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử cuối cùng hay không cũng khiến giới chuyên gia chú ý.
Bình luận viên Jake Tapper từ CNN đánh giá Trump rõ ràng đã trở thành người thua cuộc khi ngụ ý rằng ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử.
Theo cây bút Stephen Collinson cũng từ CNN, việc Trump từ chối nói sẽ chấp nhận kết quả bầu cử nếu ông thua cuộc trước bà Clinton mở ra khả năng dẫn tới một tương lai mà ở đó các nguyên tắc đã góp phần củng cố nền dân chủ Mỹ suốt hơn hai thế kỷ qua bị phá vỡ.
South China Morning Post thì cho rằng ông Trump đã "gây choáng váng" khi ngỏ ý không chấp nhận kết quả bầu cử và gọi đối thủ Clinton là "mụ đàn bà xấu xa" khi phiên tranh luận chuẩn bị kết thúc.
Bên cạnh đó, hành động khiếm nhã của ông Trump cũng khiến mạng xã hội sôi sục. "Đó là một trong những sự xen ngang kỳ lạ nhất của ông Trump và nó mau chóng thu hút khán giả xem tranh luận trực tiếp tại nhà và khiến mạng xã hội Twitter cũng dậy sóng", New York Magazine bình luận.
Xem thêm: Diễn biến cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng giữa Trump và Clinton
Vũ Hoàng