Tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, cho hay tàu cá Việt Nam bị đâm khi đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa và chìm ngay sau đó. Vị trí tàu chìm cách giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc 17 hải lý về phía tây nam.
"Tàu cá Việt Nam là loại tàu gỗ nhỏ, trong khi tàu Trung Quốc là loại lớn hơn và được làm từ thép", ông Thu cho biết và nói thêm rằng tất cả các ngư dân trên tàu Việt Nam đã được cứu sống.
Hãng thông tấn AP cũng đưa tin tàu khoảng 40 tàu cá bằng thép của Trung Quốc vây quanh các tàu bằng gỗ nhỏ hơn của Việt Nam vào chiều 26/5. Tàu Trung Quốc đâm và hất 10 ngư dân Việt Nam xuống biển rồi sau đó bỏ chạy.
Hãng này dẫn lời ông Trần Văn Lĩnh, quyền chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, cho biết các vụ đối đầu giữa ngư dân hai nước thường xuyên xảy ra trên Biển Đông, nhưng sự việc hôm 26/5 là lần đầu tiên một tàu Việt Nam bị đâm chìm.
"Tôi coi đây là một hành vi cố ý giết người vì tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam rồi sau đó bỏ chạy", ông Lĩnh nói. "Chúng tôi kịch liệt phản đối hành động ngoan cố, tàn bạo và vô nhân đạo của phía Trung Quốc".
Trong bài viết có tiêu đề "Tàu Trung Quốc đâm và làm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông", tờ Diplomat đánh giá rằng hành động của Bắc Kinh sẽ đẩy căng thẳng với Hà Nội lên cao.
Phía Việt Nam đã hành động kiềm chế nhưng những vụ việc như trên sẽ thách thức lòng kiên nhẫn của công chúng Việt Nam, tờ báo nhận xét.
Đồng quan điểm, New York Times quan ngại rằng căng thẳng đang tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981 có khả năng leo thang. Việt Nam đã khẳng định vùng biển quanh giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và cân nhắc việc kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Báo dẫn ý kiến của ông Dennis J. Blasko, một cựu quan chức quân sự thuộc sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, cho rằng việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là diễn biến mà Mỹ rất lo ngại.
Theo Los Angeles Times, dưới chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải bằng cách điều tàu cá, các tàu giám sát hàng hải và hải dương học đến những vùng biển tranh chấp. Hồi cuối tuần, các chiến đấu cơ Trung Quốc cũng bay sát các máy bay Nhật Bản trên biển Hoa Đông, khiến Tokyo phản ứng gay gắt.
Báo dẫn nhận định của ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam ở Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia, mô tả tình hình hiện tại trên Biển Đông là nguy hiểm nhất kể từ năm 1988. Tuy nhiên, ông tin rằng căng thẳng sẽ không leo thang hơn nữa do lợi ích kinh tế hai bên.
Anh Ngọc