Bộ đội và các thiếu nữ Đà Nẵng chuẩn bị lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố. (AP) |
Dưới tiêu đề "Chợ Lớn Sài Gòn lại phát đạt", hãng tin Reuters ngày 28/3 viết về việc kinh doanh nhộn nhịp và thuận lợi của cộng đồng người Hoa ở TP HCM, kể cả những người từng rời Việt Nam mấy chục năm trước nay quay trở lại.
Khu Chợ Lớn ở trung tâm thành phố với những con đường ngang dọc, những cửa hiệu đầy hàng hoá, những ngôi chợ nhỏ và nhà hàng ăn uống đang hồi tấp nập, phóng viên Reuters Michael Battye tại TP HCM mô tả quang cảnh khu thương mại hàng đầu của Sài gòn, 30 năm sau ngày giải phóng.
Điều này có được là nhờ chính phủ Việt Nam khuyến khích kinh tế tư nhân và mở cửa cho các nhà đầu tư, bí thư thành uỷ TP HCM Nguyễn Minh Triết cho biết. Những người Việt Nam ra đi trong thập niên 70, trong đó có nhiều Hoa kiều, đã quay trở lại.
Giới chức Việt Nam đánh giá rằng các doanh nhân thuộc cộng đồng người Hoa có mạng lưới kinh doanh khắp thế giới, có thể giúp VN giàu có hơn. Họ khẳng định không có sự phân biệt trong đối xử với cộng đồng Hoa kiều. Ông Phan Xuân Biên, trưởng ban tư tưởng thành phố nói "Chính sách của chúng tôi là đối xử với Hoa kiều theo nguyên tắc không phân biệt".
"Những tuyên bố như thế là thước đo cho thấy Việt Nam đã thay đổi như thế nào kể từ năm 1975", Reuters bình luận và dẫn ra những ví dụ về sự thành công của Việt kiều nói chung Hoa kiều trong kinh doanh ở Việt Nam, sau khi họ trở về từ Mỹ, Pháp, Canada, Australia và nhiều quốc gia khác.
Hiện tại TP HCM có hơn 1.000 doanh nghiệp của Việt kiều, hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài cho biết. Họ trở về mang theo tình cảm với họ hàng cùng nguồn đầu tư làm giàu cho bản thân và tạo ra công ăn việc làm trong các ngành dệt may, da giày, lắp ráp xe máy, dịch vụ và các ngành khác.
"Cuộc sống thật tốt đẹp", một doanh nhân là Việt kiều gốc Hoa thành đạt tên là Quach Hung Tong nói. Quach hiện có 2 triệu USD và 30.000 m2 đất ở Củ Chi làm cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu. "Bạn đóng một ít tiền thuế, và thế là cuộc sống rất dễ dàng".
"Việt kiều, thay vì ở cứ ở nước ngoài chỉ trích, hãy trở về và đầu tư và mang lại đổi thay cho đất nước", một doanh nhân nói.
Không chỉ nhìn thấy những dòng người sôi động và ồn ào, đôi khi tắc nghẽn ở ngã ba, ngã tư trong lòng thành phố hơn 5 triệu dân này, các phóng viên phương tây còn cảm nhận được những góc yên tĩnh và thanh bình khi trở lại TPHCM 30 năm sau chiến tranh.
"Cái tên thành phố đã thay đổi, nhưng nhiều điều vẫn như xưa - một thành phố đông đúc với môi trường bụi bặm ", phóng viên người Australia Peter Harvey của National Nine News viết. "Chiếc xe tăng từng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30/4/1975 vẫn còn".
Khi chế độ Việt Nam Cộng hoà sụp đổ, người Australia đã rời đi từ lâu. Và nay họ trở lại, đầu tư kinh doanh hoặc làm từ thiện ở một thành phố đang phát triển trong hoà bình. Harvey tới một chốn yên tĩnh gần thành phố, nơi có hương trầm cùng hoa hồng và búp bê cho những binh sĩ đã tử trận. "Không ai bị quên lãng cả", ông viết.
"30 năm sau, nhiều người Việt Nam vẫn đang sống vất vả", Harvey nhận xét sau một thời gian quan sát các cư dân thành phố. "Nhưng lòng quyết tâm mà họ đã thể hiện trong chiến tranh vẫn sống, và sẽ đưa họ vượt qua những thử thách hiện nay".
T. Huyền