Với tiêu đề "Những người vợ nhập cư", tờ Korea Times có bài xã luận về tình trạng các cô dâu ngoại bị đối xử tàn tệ tại Hàn Quốc.
Mọi chuyện bắt đầu khi giới chức những vùng nông thôn của Hàn Quốc tìm cách làm mối cho những anh chàng độc thân tìm vợ. Họ đã đến Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Á. Ý định của họ thì tốt nhưng việc thực hiện lại không hoàn toàn như hy vọng, đặc biệt là bởi những trung tâm môi giới khát tiền. Với những trung tâm này, hôn nhân không phải là mối duyên của hai người mà chẳng khác nào giao dịch làm ăn.
Ảnh cưới của một đôi chồng Hàn vợ Việt. Ảnh: NYT. |
Những tấm biển quảng cáo như "Cô dâu Việt Nam không bao giờ chạy trốn" hay "Thậm chí người tàn tật cũng lấy được gái trinh" có thể thấy trên đường phố. Khi Ủy ban chống phân biệt chủng tộc của Liên Hợp Quốc nêu lên tình trạng lạm dụng ở Hàn Quốc, hình ảnh của đất nước này bị làm xấu đi nhiều.
Các cô gái Việt không phải là những nạn nhân duy nhất. Trung tâm tư vấn cho các bà vợ người nước ngoài tại Seoul tiếp khoảng 50 người mỗi ngày. Họ đến từ nhiều quốc gia khác như Philippines, Mông Cổ, Kazakhstan.
Tại Thụy Điển, quốc gia thuộc nhóm phát triển mà Hàn Quốc muốn gia nhập, chính phủ cho các cô dâu ngoại học một chương trình miễn phí 6 tháng. Họ được học ngôn ngữ và những kiến thức cần thiết trước khi bắt đầu một cuộc sống mới. Quãng thời gian đó được coi như nghỉ phép và họ được chính phủ tài trợ sinh hoạt phí.
Nếu viễn cảnh đó là quá xa vời với Hàn Quốc, thì ít nhất chính phủ nên đóng cửa những trung tâm môi giới không có giấy phép. Những dự luật giúp cải thiện tình trạng đối xử của các bà vợ nước ngoài vẫn ngủ im lìm tại quốc hội từ năm 2005. Và trước nhất, các quan chức địa phương cần nhắc nhở các chú rể tương lai rằng họ đang chọn bạn đời chứ không phải đi "mua" vợ, để các vụ án như cô dâu Huỳnh Mai không tiếp diễn.
"Chúng ta đã không nhận ra được giấc mơ đẹp đẽ và nhỏ bé của một cô dâu Việt tại đất nước này", thẩm phán Kim Sang-jun phát biểu trước khi tuyên án 12 năm tù với người chồng đánh chết vợ. "Chúng ta phải thú nhận rằng sự dã man nằm sâu trong lớp vỏ cường quốc kinh tế và văn hóa của thế kỷ 21".
Nhật báo JoongAng bình luận rằng vụ án mạng của Huỳnh Mai bắt nguồn từ sự vô nhân tính và non nớt trong xã hội Hàn Quốc, vốn coi các cô dâu ngoại như những món hàng. "Niềm tự hào về quốc gia văn minh và có nền kinh tế hàng đầu thế giới của chúng ta đã sụp đổ", bài xã luận của tờ báo này có đoạn.
Ngọc Sơn dịch