Với chủ đề Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, sau ba ngày mở cửa, Hội báo toàn quốc năm 2022 bế mạc chiều 15/4.
Một trong những chủ đề nổi bật tại hội báo năm nay là chuyển đổi số. Tham gia diễn đàn về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh "chuyển đổi số trước hết hãy nghĩ tới con người, tập trung vào kỹ năng mềm, sự thay đổi từ cấp cao nhất".
Lợi thế cạnh tranh trong chuyển đổi số nằm ở khai thác dữ liệu có giá trị. Sự khác biệt giữa Google, Facebook... với các công ty khác không phải là những bộ óc tài năng hay công nghệ họ sở hữu mà ở văn hóa hoạt động dựa vào dữ liệu. "Dữ liệu phải là oxy của doanh nghiệp, không thể mua được mà phải chăm bón, nuôi dưỡng và gặt hái nó qua thời gian", ông Minh nói.
Những yếu tố để chuyển đổi số thành công là có lãnh đạo am hiểu công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital.
Ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP HCM, nhấn mạnh "khi bạn đọc lên mạng, báo chí phải lên mạng" và muốn thế cần chuyển đổi số.
Ba thách thức lớn cơ quan báo chí cần vượt qua là lựa chọn công nghệ phù hợp; chi phí đầu tư hợp lý; nhân lực tinh thông. Ba phương án giải quyết thách thức về con người gồm tuyển người; thuê công ty công nghệ; dung hòa hai phương án trên. Ông Trung cho rằng phương án kết hợp giữa tuyển người và thuê những việc cần thiết là tốt nhất hiện nay, đảm bảo hiệu quả quản lý và vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập báo Vietnamplus, cho rằng khi chuyển đổi số, ngoài vấn đề tư duy, nhân sự, nên mở cửa về cơ chế. Ông dẫn chứng, nhiều sản phẩm mới của báo là bỏ tiền túi, tự thanh toán bằng thẻ visa của cá nhân. Do đó cần có cơ chế khuyến khích những cái mới.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu ý cơ quan báo chí cần thay đổi từ mô hình tổ chức đến cách làm báo. "Làm báo hiện nay phải chấp nhận sự tương tác và giám sát, thậm chí phản biện rất mạnh của cộng đồng", ông nói.
Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng số để hỗ trợ cơ quan báo chí, nhưng ông Lâm cho rằng sẽ không có kịch bản chung nào về chuyển đổi số.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhận định chuyển đổi số báo chí đang chậm hơn khối doanh nghiệp, đề án đang đợi phê duyệt. Chủ trương của Chính phủ là xây dựng các nền tảng lớn đảm bảo độc lập, chủ quyền trên không gian mạng. Vì vậy, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng nền tảng lớn dùng chung, đặc biệt là cho 6 cơ quan báo chí lớn.
"Chúng tôi sẽ đồng hành với các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, đảm bảo chậm một chút nhưng sẽ thành công, hiệu quả, từng bước cải tiến, đứng vững trong môi trường hiện nay", Thứ trưởng Tuấn nói.
Ba ngày diễn ra sự kiện, hội báo có nhiều hoạt động như: Trưng bày 100 năm Báo Le Paria (Người cùng khổ); triển lãm ảnh báo chí Những nẻo đường xuân; diễn đàn Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số; tổ chức trường quay trực tiếp Như chưa hề có cuộc chia ly; tọa đàm Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn...
Hội báo toàn quốc 2022 thu hút sự tham gia của 106 cơ quan báo chí.