Ông Hữu Thỉnh đề nghị Chính phủ chuyển khoản kinh phí nhà nước hỗ trợ Liên hiệp mỗi năm 90 tỉ đồng thành kinh phí thường xuyên để "không phải lập đề án đi xin theo từng giai đoạn nữa". Ông kiến nghị Chính phủ xây dựng làng nghệ sĩ khoảng 300 căn nhà để văn nghệ sĩ có nhà ở, yên tâm cống hiến.
Tác giả bài "Sang thu" thật thà nói 10 năm nay ông được hưởng lương ngang với trưởng ban của Đảng, nhưng không có xe đi lại, phải mượn chiếc xe đã quá rách nát. Theo tâm sự của nhà thơ, "đối với người đứng đầu Liên hiệp thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy".
Tôi vẫn khó quên lời giải thích của ông khi đó: "Tôi biết đất nước còn khó khăn, nhưng chắc không khó khăn đến nỗi không thể cấp cho người đứng đầu Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật một chiếc xe để đi lại".
Đó không phải lần đầu ông Hữu Thỉnh than thở về chuyện nhà nước trợ cấp kinh phí cho văn nghệ sĩ trong Liên hiệp hoạt động. Trước đó, tại một cuộc hội nghị văn học, ông than, nếu không được cấp kinh phí, không có trụ sở, không biên chế... tự góp hội phí nuôi nhau thì Hội nhà văn chỉ có đường tan rã mà thôi. Bởi hội phí thu được từ 1.000 người hội viên mỗi năm chỉ vài triệu đồng, chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma.
Thậm chí, ông còn nói, nếu nhà nước khó khăn không cấp kinh phí nữa thì Hội Nhà văn sẽ tính đến phá bỏ hoàn toàn trụ sở hiện nay (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) để xây nhà hàng, khách sạn.
Vậy nhưng, trong khi nhà nước vẫn duy trì kinh phí hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, mà theo ông Hữu Thỉnh, mỗi nhiệm kỳ năm năm là 400 tỷ thì hệ thống giải thưởng của các hội này thường xuyên gây tai tiếng và phản ứng của dư luận.
Đầu năm 2017, tại Triển lãm ảnh nghệ thuật Tổng kết 30 năm đổi mới, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có hai bức ảnh được xét giải. Chuyện này khiến giới nhiếp ảnh phản ứng gay gắt bởi ông vừa là trưởng Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng thẩm định, nhưng lại có tác phẩm đoạt giải cao. Sau đó, ông buộc phải rút hai giải thưởng khỏi triển lãm.
Cuối năm đó, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Lê Tiến Thọ ký quyết định công bố khen thưởng cho các tác phẩm sân khấu năm 2016. Trong đó, chính ông Thọ có ba tác phẩm đoạt giải cao. Khi nghệ sĩ và báo chí phản ứng, ông buộc phải rút tên cùng phần giải thưởng cá nhân.
Các giải thưởng do những hội đoàn này tổ chức từ ngân sách còn được coi là nơi "mưa huy chương" để nghệ sĩ đủ điều kiện xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú hay giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Tiêu biểu là Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2018, chỉ có 27 vở diễn nhưng trao đến 112 huy chương.
Dù ở chế độ chính trị xã hội nào, chính phủ có hỗ trợ để thúc đẩy văn nghệ đất nước phát triển là cần thiết. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra, rằng quốc gia càng giàu có, thì ngân sách chính phủ tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật càng lớn.
Nhưng việc bao cấp lâu nay ở nước ta có ý nghĩa gì, khi chất lượng các sản phẩm văn học nghệ thuật ngày càng xuống cấp? Như đầu năm nay, cuốn sách Chim ưng và chàng đan sọt đoạt giải sách hay khiến độc giả bất bình vì có những chi tiết thô tục và chất lượng quá tệ. Khi tôi hỏi ra, thì ông trưởng ban giám khảo biện minh rằng, sách này được Hội nhà văn trao giải nhì cuộc thi tiểu thuyết (2011-2015), nên coi đó là màng lọc quan trọng. Nhưng chắc ông cũng không ngờ, cái màng lọc của Hội nhà văn quá mỏng.
Cũng là tiền ngân sách, trong khi vốn nhà nước tại các doanh nghiệp luôn được kiểm soát chặt chẽ bằng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thì ngân sách rót xuống các hội văn học nghệ thuật chịu ít quy định về giám sát hơn rất nhiều. Những cuộc liên hoan, triển lãm, hội diễn... hầu như đều không chịu sự giám sát từ một hội đồng độc lập về tài chính và chất lượng nghệ thuật để có đánh giá khách quan.
Trong khi, giám sát hiệu quả tiền rót cho văn nghệ thực chất khó hơn, đáng ra cần nhiều công sức hơn giám sát hiệu quả tiền vốn trong doanh nghiệp: nó không có các chỉ số rõ ràng như lợi nhuận, doanh thu.
Qua nhiều năm, những giải thưởng dù gây điều tiếng nhưng đến kỳ cuộc lại được tổ chức như một lẽ đương nhiên. Câu chuyện tai tiếng cũ trôi qua, không ai phải chịu trách nhiệm về số tiền ngân sách đã chi và chất lượng của những sản phẩm nghệ thuật ấy. Có chăng, chỉ là sự kiểm định của dư luận và giới nghệ sĩ, như "đá ném ao bèo".
Đúng là có những hoạt động văn hóa cần sự tài trợ của nhà nước, chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào thị trường. Đơn cử, như việc gìn giữ văn hóa nghệ thuật dân gian. Nhưng không có giám sát, dễ tạo ra những "thảm họa giải ngân". Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam (2008-2017) do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện, có tổng kinh phí lên đến 240 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Sau đó, báo chí lại phanh phui nhiều sai sót trong sách.
Và cuối cùng, nhiều sách thuộc dự án được tìm thấy ở cửa hàng đồng nát, bán giấy vụn theo cân.
Vũ Viết Tuân