Thứ trưởng Trần Anh Tuấn. Ảnh: N.Hưng. |
Trao đổi với báo chí chiều 6/7, Thứ trưởng Tuấn cho biết, ông vừa ký văn bản đề nghị UBND tỉnh báo cáo thực chất những thông tin về các khoản đóng góp của người dân và số liệu cán bộ ở xã, thôn của xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (địa phương được báo chí thông tin có tới 500 cán bộ ở một xã) và hướng chỉ đạo xử lý của tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng yêu cầu Thanh Hóa báo cáo chi tiết số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động ở thôn, tổ dân phố toàn tỉnh. Nếu có những bất cập, hạn chế đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Bộ Nội vụ đề nghị tỉnh Thanh Hóa báo cáo các thông tin này về Bộ trước ngày 10/7 để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo thống kê của Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng 130.000 thôn. Số cán bộ thôn trên cả nước là hơn 570.000, nếu tính cả cán bộ xã khoảng 770.000 người. Thông thường mỗi thôn có 3 cán bộ là trưởng thôn, bí thư chi bộ và công an viên. Tuy nhiên, trên thực tế, thôn còn có cán bộ của các tổ chức chính trị xã hội, an ninh, trật tự… và tổng cộng cả nước hiện có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn.
Người dân ở xã nghèo Quảng Vinh phải đóng góp bằng thóc để chi trả cho hoạt động của bộ máy cán bộ. Ảnh: Nongnghiep.vn |
Ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết hiện mỗi xã đang phải chi trả từ 120 đến 170 định suất ngoài ngân sách bằng nguồn đóng góp của dân. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, số lượng cán bộ cấp xã là công chức nhà nước được khoán chỉ tiêu. Bên cạnh đó còn có cán bộ không chuyên trách, số lượng do địa phương tự quyết định. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan về chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách.
Trước đó, cuối tháng 6, báo chí phản ánh cán bộ xã, thôn ở xã Quảng Vinh quá đông, ngân sách không đủ trả lương nên người dân nghèo phải đóng góp nuôi cán bộ. Xã Quảng Vinh có có 15 thôn, 9.500 dân nhưng số cán bộ xã, thôn ước chừng lên tới 500 người. Thuộc diện xã loại 1 (số hộ nghèo chiếm hơn 30%) theo Nghị định 92 của Chính phủ nên Quảng Vinh có 23 cán bộ được biên chế và 22 cán bộ bán chuyên trách. Ngoài 45 cán bộ, xã còn có thêm người làm phó các đoàn thể…
Số cán bộ "đông kỷ lục" được lãnh đạo xã giải thích là do ở xã có chức danh gì thì cứ theo ngành dọc mà bổ nhiệm cho tới tận từng thôn. Cũng theo Nghị định 92, chỉ có cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách thì nhà nước trả lương, còn cán bộ phát sinh xã phải tự trả phụ cấp. Mỗi năm xã này thu ngân sách chỉ khoảng 400 triệu đồng, để chi trả cho bộ máy cán bộ khổng lồ hiện tại, vì ngân sách không có nên xã phải bắt người dân đóng góp bằng thóc.
Nguyễn Hưng