![]() |
Chi nhánh của SITC tại Hà Nội đóng cửa. Ảnh: T. H. |
Trong cuộc họp do Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt chủ trì, sáng nay, các bên liên quan làm rõ tình hình cơ sở vật chất, hợp đồng lao động, tình trạng nợ lương, các chương trình đào tạo còn dang dở và hướng giải quyết cho các học viên, nhân viên của SITC.
Các phương án đưa ra trả lại học phí hoặc tạo điều kiện để học viên của SITC theo học tại một cơ sở khác không phải đóng tiền. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng về vụ việc này để xin ý kiến chỉ đạo.
Công an phường Láng Hạ cho biết, hôm 28/1, chủ nhà của cơ sở SITC 532 đường Láng có đến thông báo tình hình của Trung tâm này. Đơn vị cũng đã báo lên công an quận Đống Đa. Sau đó không thấy ai liên lạc tiếp. Cho đến ngày hôm qua, khi chủ nhà dán bảng thông báo trước cổng trường rằng các nạn nhân có thể liên hệ với công an phường để giải quyết thì mới có một vài trường hợp đến trình báo. Công an phường hướng dẫn họ làm hồ sơ, thu thập thông tin tài liệu để chuyển lên công an quận Đống Đa thụ lý và giải quyết. |
Theo Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, SITC là dự án giáo dục đào tạo, mang tính xã hội và liên quan đến nhiều người. Quan điểm của Bộ Kế hoạch Đầu tư là phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giáo viên và học viên. Rút giấy phép của SITC là đơn giản nhung có thể gây ra nhiều hệ luỵ.
Theo nguồn tin của VnExpress, trước mắt, phía Việt Nam sẽ có văn bản gửi Đại sứ quán Singapore đề nghị phía bạn cung cấp thông tin và yêu cầu SITC giải quyết quyền lợi cho học viên, nhân viên. Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ trực tiếp làm việc với SITC Holdings - công ty mẹ của SITC ở Việt Nam.
"Chúng ta phải liên hệ với phía Singapore để xác định tình hình cụ thể của SITC, qua đó mới có hướng giải quyết. Hiện, chưa có thông tin chính thức là đơn vị này có phá sản hay không. Nếu công ty phá sản thì phải đền bù theo luật định, nếu có dấu hiệu lừa đảo cơ quan công an sẽ vào cuộc", nguồn tin cho biết.
Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp SITC được thành lập theo quyết định 2342 ngày 13/8/2003 do Bộ Kế hoạch Đầu tư cấp. Trung tâm được đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh, nghiệp vụ văn phòng. Sau khi hoàn thành khoá học, học viên được cấp chứng chỉ.
Đến tháng 1/2006, SITC đã mất khả năng thanh toán. Ban giám đốc ở Hà Nội liên tục họp khẩn cấp, kiến nghị về Cty mẹ ở Singapore nhưng vô hiệu. Theo báo cáo tài chính của SITC tại Hà Nội thì tháng 12 còn nợ hơn 63.000 USD, tháng 1 nợ hơn 100.000 USD, chủ yếu là lương và tiền thuê nhà. Trước khi SITC biến mất tại khu vực TPHCM, trong két sắt của SITC khu vực quận 1 còn 2.000 USD và một ít tiền đồng Việt Nam.
Chi nhánh của SITC tại Nha Trang cũng trong tình trạng tương tự. Theo Sở GD&ĐT Khánh Hòa, tại thời điểm ngừng hoạt động, số tiền tồn quỹ tại chi nhánh chỉ vọn vẻn hơn 18 triệu đồng. Hiện, chi nhánh còn nợ lương giáo viên gần 135 triệu đồng, số tiền nợ học phí (tiền học sinh đã đóng nhưng chưa được học) lên tới 1,7 tỷ đồng.
Trong bức thư gửi cơ quan thẩm quyền Việt Nam, SITC Holdings công ty mẹ của SITC ở Việt Nam cho rằng, việc SITC ở Việt Nam đóng cửa là ngoài ý muốn. Lỗi thuộc về ông Michael Yu, Tổng Giám đốc kiêm Hiệu trưởng SITC Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Michael Yu đang ở đâu.
Việt Anh - Trịnh Vũ