Các cuộc khảo sát về kế hoạch hóa gia đình tại Mỹ cho thấy, trong vòng 10 năm, lượng sử dụng bao cao su đã sụt giảm đáng kể ở nam giới, từ 75% vào năm 2011 xuống còn 42% vào năm 2021. Hãng bao cao su Trojan số 1 tại nước này cũng cảnh báo xu hướng giảm sử dụng sản phẩm cho các nhà đầu tư vào năm 2021.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát hàng năm của chính phủ, tỷ lệ học sinh trung học cho biết họ sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất đã giảm từ 63% (năm 2003) xuống còn 54% (năm 2019).
Trong khi theo dữ liệu sơ bộ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Mỹ đã ghi nhận gần 2,5 triệu trường hợp nhiễm bệnh chlamydia, lậu và giang mai vào năm 2021, tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Khoảng một nửa số ca nhiễm mới vào năm ngoái là ở những người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra sự gia tăng quan hệ tình dục đồng giới không an toàn ở nam thanh niên. Nam giới quan hệ tình dục đồng giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với những người dị tính do khả năng nhóm này có nhiều bạn tình.
Từng là biện pháp được truyền thông nhiều nhất để xóa bỏ bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao cao su hiện trở thành sản phẩm khó bán do những tiến bộ như biện pháp tránh thai dài hạn hoặc thuốc giảm lây truyền HIV.
"Từ trước đến nay, những người trẻ tuổi khi sử dụng bao cao su phần lớn đều sợ mắc HIV hoặc mang thai ngoài ý muốn. Nhưng bây giờ họ có nhiều lựa chọn hơn để ngăn chặn những điều đó", David Harvey, Giám đốc điều hành của Liên minh các tổ chức phòng bệnh lây qua đường tình dục, cho biết.
PrEP - giải pháp khi không dùng bao cao su
Các nhà khoa học gần đây phát hiện PrEP - thuốc dự phòng trước phơi nhiễm có thể uống hàng ngày hoặc tiêm, đã giúp nhiều người quan hệ tình dục không dùng bao cao su giảm nguy cơ nhiễm HIV đáng kể. Tuy nhiên, họ vẫn dễ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục khác nếu như chất dịch của bệnh tiếp xúc da kề da.
John Guggenmos, chủ sở hữu chuỗi quán bar dành cho người đồng tính ở Washington, cho biết bao cao su đã không còn được nhìn thấy trong các quán bar của ông vì khách hàng thích dùng PrEP hơn.
"Bao cao su từng là đồ đặt cố định trong quán những năm 90. Bạn có vodka sau quầy bar và bao cao su ở cửa trước. Nhưng bây giờ, chúng không được sử dụng nên chúng tôi dừng cung cấp", ông nói.
Liệu PrEP có làm gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hay không là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Họ cho biết người dùng PrEP ít sử dụng bao cao su hơn, nhưng họ cũng phải trải qua các đợt khám sàng lọc bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STD) bắt buộc để nhận thuốc.
"Khi được chẩn đoán và điều trị ngay sau khi mắc bệnh, họ sẽ ít có khả năng lây bệnh cho người khác", Zandt Bryan, người đứng đầu bộ phận phòng chống STD của bang Washington, cho biết.

Hình minh họa vi khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae. Ảnh: CDC
Bao cao su không được ưu tiên
Một lý do khác khiến số người sử dụng bao cao su ít đi là do các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe LGBT thiếu kinh phí cho các chiến dịch phân phối mặt hàng này. Davin Wedel, Chủ tịch Global Protection Corp, chuyên cung cấp bao cao su cho các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận, cho biết các cơ quan y tế công cộng đã đặt hàng ít hơn kể từ khi PrEP ra đời.
Tuy nhiên, ông nói doanh số bán hàng đã bắt đầu tăng trở lại trong những tháng gần đây khi các quan chức đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là một minh chứng cho thấy các cơ quan y tế công cộng đã không từ bỏ bao cao su ngay cả khi chúng không còn là trọng tâm chính.
Leandro Mena, người đứng đầu bộ phận phòng chống STD, CDC Mỹ, cho biết: "Tôi không thể tưởng tượng được một ngày nào đó, bao cao su sẽ không còn giá trị, nhưng đồng thời, chúng ta phải tiếp tục làm việc để phát triển các công cụ hiệu quả hơn để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm này".
Một trong những vũ khí quan trọng bên cạnh bao cao su là vaccine và thuốc dùng sau khi quan hệ tình dục. Theo đó, lựa chọn hứa hẹn nhất là uống thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa STD - hay còn gọi là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. CDC đang phát triển hướng dẫn lâm sàng để sử dụng kháng sinh để phòng ngừa STD ở những người đồng tính và song tính nam, cũng như phụ nữ chuyển giới.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh giang mai, lậu hoặc chlamydia, nhưng giới khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để có thể cho ra đời cùng với các mũi tiêm ngừa viêm gan B và HPV.
"Tất cả nỗ lực này đang được triển khai trên toàn cầu nhằm tạo ra phương pháp phòng bệnh mới vì cuối cùng chúng ta cũng nhận ra rằng con người không thích bao cao su", Jim Pickett, nhà hoạt động HIV lâu năm tư vấn cho các cơ quan y tế công cộng, nhận định.
Doãn Hùng (Theo Washington Post)